Nguyễn thị Duy
Tuổi thần tiên nép trong tay mẹ hiền…
Tuổi thần tiên lắng nghe cha ngọt ngào…
P.D.
Tôi
có con nhỏ bạn thời còn đi học mà bọn tôi gọi nó là “con bé củ khoai”.
Bởi vì cứ mỗi lần bọn tôi ngồi kể lại chuyện hồi thơ ấu thì nó cứ buồn
buồn nói một câu như một điệp khúc: “Tuổi thơcủa tau tội nghiệp lắm mi.
Nhà tau nghèo lại đông con. Tau là chị của một đàn em nheo nhóc. Có ai
có thời gian để chăm sóc, lo lắng cho tau đâu. Tau đã lớn lên như củ
khoai rứa mi nợ”. Rồi nghe tôi kể chuyện hồi nhỏ của tôi, nó lại hếch
mũi lên cười hít hít rồi nó nói “Vui quá đi, mi đúng là con ngố”. Vậy
đó, mỗi người trong chúng ta đều có một góc trời thơ ấu riêng. Dẫu vui,
dẫu buồn nơi ấy cũng là nơi chốn có nhiều kỷniệm khó quên…
<!--Read more-->
Tôi nhớ lại năm tôi còn nhỏ xíu, anh Hai tôi đã là thầy giáo. Tôi
thường hay nhìn anh Hai tôi ngồi viết. Anh có thói quen cứ mỗi lần viết
đầu anh lại nghiêng nghiêng về một bên. Cái cằm cứ đưa lên hạ xuống theo
từng nét chữ. Miệng anh lại méo qua bên nầy,méo về bên kia. Thỉnh
thoảng cái tay cầm viết của anh Hai tôi lại đập đập xuống bàn. (Sau nầy
tôi mới biết là anh đã làm nhưvậyở mỗi dấu chấm hay dấu phảy). Cái thói
quen của anh Hai tôi chả đẹp chút nào thế mà tôi lại say sưa nhìn. Với
cái trí óc non nớt của tôi ngày ấy, tôi đã nghĩ rằng chỉ có những người
biết chữ mới làm được như vậy. Từ đó cái ước ao được đi học, được biết
chữ háo hức trong tôi. Một lần nhân lúc anh Hai tôi vắng nhà, tôi đã
bắt ghế leo lên bàn lén lấy viết và vở của anh Hai tôi ra viết.
Tôi cũng viết đầy cả vào những trang sách của anh. Cái chữ tôi viết
chỉ là những đường gảy hình “dích dắc” nhún lên nhún xuống chẳng ra chữ
gì! Lúc anh Hai tôi phát hiện được tôi lại bị ăn đòn. Mẹ tôi thấy vậy
nên sắm cho tôi quyển vở và cây bút chì. Mẹ tôi viết vào vở những nét sổ
dọc mờ mờ thẳng hàng để tôi đồ đậm lên. Dần dần tôi đã học được mấy con
chữcái. Viết được chữ i, chữ t… Mẹ tôi đã trở thành người thầy đầu tiên
dạy tôi biết chữ lúc nào mà mẹ tôi không hay. Những nét bút chì cứ mờ
mờ đã làm tôi không thích nên mỗi lần viết tôi thường liếm nước miếng
vào đầu bút chì cho nét chữ đậm hơn. Cứ thế cho nên quyển vở của tôi
càng ngày càng ỉu mềm. Mẹ tôi lại thay vở mới cho tôi và mẹ tôi đã thay
không biết bao nhiêu lần vở!Năm sau mẹ tôi cho tôi vào học lớp vỡ lòng
của thầy Dụng. Trường học cách nhà tôi chừng vài trăm mét. Hằng ngày ở
nhà tôi vẫn nghe rõ mồn một tiếng trống trường. Nghe nói được đi học tôi
mừng lắm. Chẳng chờ mẹ đưa đến trường. Tôi ôm vở chạy theo con Dương
con ông Trí ở đầu chợ để đến trường. Thầy Dụng đón tôi ởcửa lớp. Thầy
Dụng lại là người anh rễ chồng bà chị con ông bác tôi. Bởi vậy ngày đầu
tiên đến trường tôi không có sự bỡ ngỡ, rụt rè. Thêm vào đó là chút vốn
liếng “chữ nghĩa” mà mẹ tôi đã bày dạy thời gian qua ở nhà, tôi tự tin
và bạo dạn để hòa nhập vào môi trường mới. Rồi ngày tháng trôi qua tôi
cũng được lên lớp năm (lớp một bây giờ). Tôi bắt đầu làm quen với cây
viết mực. Niềm ước mơ của tôi đã là sự thật. Nhưng người lớn ngày đó hay
nói phải tập viết với ngòi viết “lá tre” thì chữ mới tốt được. Mẹ tôi
cũng nói vậy nên mẹ tôi sắm cho tôi cây bút với ngòi viết giống hình cái
lá tre . Tôi tập viết bút mực thật khó khăn vì ngòi viết cứ xóc vào mặt
giấy. Cố gắng cách mấy tôi cũng làm gãy ngòi bút mỗi ngày. Sau nầy mẹ
tôi đổi lại cho tôi dùng loại ngòi bút hình bầu bầu . Dùng loại ngòi bút
nầy tôi tập viết đỡ hơn. Còn mực thì khỏi nói. Mỗi ngày mẹtôi phải hòa
cho tôi một bình mực. Không biết sao mà mỗi ngày đi học về mặt mày, quần
áo của tôi đều lem luốc cả mực! Lúc ấy đến trường tôi rất vui vì có
được nhiều bạn bè. Đứa nào cũng thích chơi với tôi vì tôi luôn thể hiện
lòng tốt giúp đỡ bạn bè như bài đức dục mà thầy tôi đã dạy. Đứa nào
thiếu cái gì là tôi sẵn sàng chia xẻ. Đặc biệt là mực, ngày nào tôi cũng
có đầy bình. Đứa bạn nào thiếu mực là có mực của tôiđây. Có đứa biết
điều trao đổi cho tôi vai cây kẹo ú hay ít sợi dây su (thun), có đứa
“cáo già” hơn, hồi nào cũng thiếu mực. Chính ba cái chuyện sang qua sớt
lại nầy mà tôi như cô bé lọ lem vấy đầy mực mỗi buổi tan trường. Chiều
nào mẹtôi cũng dắt tôi ra sau bếp để rửa ráy cho tôi và lần nào mẹ cũng
nói có một câu “Gớm! Sao mà bôi cái mặt như con mèo như ri chớ”. Lúc nầy
tôi cũng đã đọc thông viết thạo. Tôi đã tự hào trong lòng là tôi đã
biết chữ. Và tôi cũng hí hốlắm. Về nhà thấy chỗ nào có chữ viết là tôi
đọc liền. Một lần tôi đã vô tình phát hiện được cái điều bí mật của anh
Hai tôi nhờ vào chỗ tôi đã biết chữ. Lâu nay tôi thấy anh Hai tôi
thay đổi lắm.Anh hay ngồi trầm ngâm một mình. Điều làm tôi chú ý là
thỉnh thoảng thấy anh Hai nhai nhóp nhép trong miệng (ngàyđó đâu đã có
kẹo su nên tôi để ý làđúng) nhưng chẳng biết đâu mà tìm hiểu vì bộ óc
tôi còn non nớt quá. Tình cờ một hôm đi ngang qua bàn viết của anh Hai.
Anh Hai tôi có cái bàn viết bên dưới có nhiều ngăn kéo như cái tủ nhỏ.
Tôi thấy có mấy con kiến bò ra bò vào. Nhân lúc không có anh ở nhà tôi
tò mò kéo ngăn kéo của bàn ra. Tôi sáng mắt ra nhìn. Ồ! anh Hai tôi có
cả nguyên một hộp bánh đậu xanh được làm giống như những viên kẹo. Bánh
được bọc bởi những tờgiấy pelure đủ màu: xanh lơ, hồng nhạt, vàng nhạt
(màu sắc thật lãng mạn) được cắt tua tua ở hai đầu. Anh Hai tôi đã ăn
hết đi một phần rồi (tôi nghĩ mà tức vì anh Hai tôi đã ăn lén mà không
chia cho em út ,lần sau dừng có hòng mà sai tôi làm cái nầy làm cái
khác). Nhưng thật lạ, ai ăn kẹo bánh cũng vứt giấy gói vào sọt rác sao
anh Hai tôi lại xếp cất cẩn thận từng tờ giấy gói bánh nầy lai.
Tôi táy máy mở từng tờ giấy gói bánh hồng hồng , xanh xanh đó ra
xem. Trên mỗi tờ giấy đều có viết chữ. Với trình độ đọc viết của tôi
lúc nầy thì đọc mấy chữ nầy thật là dễ ợt. Tôiđọc được mấy tờ đã có ghi
mấy câu “Em yêu anh”, “Nghĩ về anh”, “Anh làm gì đó”,“Nhớ em không”…
Tôi đọc được nhưng không hiểu nhiều vì có nhiều câu không có trong bài
học của tôi. Cái mà tôi thắc mắc là tại sao anh tôi lại cất mấy miếng
giấy nầy lại và ở đâu anh có mấy viên bánh nầy. Tôi cũng muốn ăn thử một
cái nhưng sợ anh Hai tôi nên không dám. Tôi cẩn thận cất lại chỗ cũ.
Hôm sau trong lúc ngồi ở bàn ăn tôi sực nhớ ra những chữ mà tôi đã đọc
được hôm qua. Tôi đọc lên thật vô tư để chứng tỏ là mình đã biết được
nhiều chữ chứ không hềcó ý đồ trêu ghẹo anh Hai vì lúc đó tôi chưa đủ
già dặn để làm vịêc đó. Tôi mới mở miệng đọc mấy chữ “Em yêu anh” thì
anh Hai tôi ngừng nhai, bỏ đũa xuống, xô ghế đứng dậy rồi chạy biến lên
nhà trên trước sự ngạc nhiên của cả nhà. Chỉ có tôi hiểu được vì thái độ
của anh Hai đã nhắc nhở tôi nhớ lại câu chuyện hôm qua. Bữa khác anh
Hai tôi kêu tôi lại rồi nói “Im cái miệng mầy nghe, khôngđược nói với
ai” Thấy tôi tỉnh queo, anh lấy trong túi đưa cho tôi cái bánh (kẹo) đó.
Tôi lột ra ăn và đưa trả cho anh hai tờ giấy gói như là một người đã
biết chuyện. Tờ giấy gói nầy không có chữ nào hết, và bánh thật là thơm
ngon. Tôi thầm nghĩ biết chữ cũng có lợi và làm thinh cũng là thượng
sách. Dại gì nói ra đã mất được ăn bánh mà không khéo lại bị ăn đòn. Cái
người làm bánh thơm ngon, gói bánh đẹp đó sau nầy là chị dâu của tôi.
Chị ở thành phố nên cách thổlộ tình yêu cũng thiệt là văn minh vào thời
điểm ấy.
Lại
thêm một chuyện kỳ cục nữa, không biết sao người lớn thời ấy có nhiều
qui luật (hay thói quen? Tôi không biết nữa) khi tập viết bút mực thì
phải viết bằng ngòi viết “lá tre” - khi nhỏ tóc phải cạo trọc hay hớt
“ca-rê” để sau nầy tóc mới tốt – như vậy để bước vào giai đoạn đểtóc
“bôm-bê” là phải chịu cắt tóc thiệt là ngắn.
Tôi
cũng bị mẹ tôi dắt xuống ông Hiển thợ cắt tóc gần nhà cắt tóc theo kiểu
“ca-rê”(may mắn là không bị cạo trọc lóc). Mấy năm học đầu tiên của
chương trình tiểu học, tôi đi học với cái đầu trụi lũi giống như con
trai.
Gần
hè năm học lớp Năm, trong giờ hoạtđộng ngoài trời, thay vì ở ngoài sân,
thầy giáo dắt tụi tôi ra tập họp trong cái đình làng sau trường. Cả lớp
được một nhóm người lạ đến nói chuyện. Một người trong đám người lạ đó
mặc bộ đồ đen, lúc nói chuyện xưng với tụi tôi là cha (Sau nầy tôi mới
biết là những người nầy trong đạo Công giáo đi truyền đạo. Vì lúc ấy quê
tôi đạo Công giáo chưa phát triển, chưa có nhà thờ). Người mặc áo đen
giảng nhiều lắm nhưng trí óc non nớt của tôi không nhớ, không hiểu hết.
Cuối cùng người đó hỏi cả lớp “Như vậy các con có biết ai là người lớn
nhất, có nhiều quyền năng nhất trong chúng ta ..?”. Tôi không hiểu nảy
giờngười ấy giảng những gì, nhưng hỏi ai là người lớn nhất, nhiều quyền
năng nhất trên đời thì tôi lơ mơ đoán được. Vốn dạn dĩ và cũng có tài
lanh nên tôi suy nghĩ là thường ngày nghe mẹ tôi hay than “Trời ơi!” mỗi
khi có việc không may, hay mẹ tôi hay nói “Trời có con mắt” nên tôi giơ
tay đứng lên nói: “Dạ con biết, đó là ông Trời”. Mọi người cùng “ồ” lên
rồi vỗ tay khen tôi: “Giỏi, con nói đúng đó. Đó là đức Chúa Trời”.
Người mặc áo đen chạy lại ôm tôi vào lòng, tay ông xoa xoa cái đầu trụi
lũi tóc của tôi. Rồi người ấy lấy trong đồ đoànđem theo tặng tôi một ổ
bánh mì thật lớn. Cả lớp chẳng đứa nào trả lời được câu nào nhưng “ăn
theo” tôi, mỗi đứa cũng được tặng một ổ bánh mì. Tản mát trênđường làng,
bọn tôi ra về tay ôm ổ bánh mì lớn ai cũng quở, cũng hỏi. Lúc tôi về
nhà hí hửng khoe cái ổ bánh mì. Mẹ tôi hỏi ở đâu mà có. Tôi chẳng biết
trảlời thế nào, chỉ biết nói “của ông mặc áo đen cho”.

Theo
năm tháng, tuổi thơ của tôi lớn dần trong vòng tay yêu thương chăm sóc
của ba mẹ. Ba tôi tính thường nghiêm khắc. Tình cảm yêu thương con cái
ít bộc lộ ra ngoài. Các anh chị tôi ai ai cũng kính nể hay nói khác hơn
là rất sợ, chẳng ai dám cải lại Ba tôi một lời. Chỉ có riêng tôi cứ ỷ
mình là con út luôn được nuông chiều nên môt đôi lần bướng bỉnh dám cải
lại lời Ba. Tôi còn nhớ một lần vào buổi tối, tôi đang ngồi ở bàn học để
học bài khoa học thường thức. Bài học nói vềcon rắn. Mở đầu bài học là
câu: “Rắn là loài bò sát không có chân”. Tôi cất giong ê a đọc bài:
“Rắn… rắn… rắn là loài bò… loài bò… sát không chân … sát không chân”.
Tai tôi nghe tiếng ba mẹ của con Trâm bạn tôi ở trước nhà nói chuyện với
nhau (Nhà con Trâm ở trước mặt nhà tôi chỉ cách nhau con đường lộnhư
khoảng sân nhỏ). Tiếng bà Ng. nói với ông Gi.“Ông coi kìa, con út thầy
Trợ học hành chăm chỉ rứa đó. Con Trâm nhà mình mới bi chừ đã quấn chiếu
ngủ mất rồi”. Nghe được câu nói của bà Ng. tôi khoái chí lại cất cao
giọng ê a “ Rắn… rắn… rắn là loài bò…loài bò… sát không chân… sát không
chân”. Tôi đọc hoài nhưng chẳng thuộc được chữ nào. Bỗng tôi nghe tiếng
guốc của ba tôi lớn dần từnhà trên xuống nhà ngang. Rồi đến chỗ tôi
ngồi học. Tiếng guốc dừng lại và tiếng Ba tôi nói như hét “ Hừm! Học cái
kiểu chi lạ vậy? Phải đọc cho hết câu, hiểu ý của cả bài mới mau thuộc
được. Mầy học cái kiểu nầy đến sáng cũng chưa thuộc được bài. Ai, ai
dạy mầy cái kiểu học đó?”. Tôi đang ê a đọc bài ngon trớn bị Ba tôi cắt
cái rụp nên bực mình và bướng bỉnh trả lời Ba tôi “Dạ! Dạ… Thầy con biểu
học rứa đó” Giận quá Ba tôi “Hừm” một tiếng rồi bỏlên nhà trên.
Khi tiếng guốc của ba tôi xa dần tôi tiếp tục ê a đọc tiếp, nhưng tôi
chẳng thuộc được chữ nào. Học được một chặp, tôi thấy mất hứng thú nên
xếp vở lại, tắt đèn, leo lên giường trùm mềm để ngủ. Tôi tưởng nói bướng
như vậy là xong, là yên chuyện. không ngờ sáng hôm sau, trong giờ tập
viết, cả lớp đang yên lặng viết bài. Bất ngờ ba tôi xuất hiện trước lớp.
Thầy tôi đứng dậy ra cửa tiếp chuyện với Ba tôi. Hai người đang trao
đổi chuyện gì với nhau tôi không biết nhưng tôi thấy thỉnh thoảng thầy
tôi lại nhìn tôi cười cười. Tim tôi đập mạnh và như muốn nhảy ra khỏi
lồng ngực. Hai tay tôi rịm ướt mồ hôi. Tôi đã cố gắng thật nhiều nhưng
nét chữ viết của tôi vẫn run run. Giờ ra chơi thầy tôi kêu tôi lại bàn
thầy. Thầy tôi ôn tồn nói với tôi: “Trò không được cải lại lời của ba
trò, Về nhà trò phải xin lỗi ba nghe chưa. Trò không được tái phạm nữa.
trò có nhớ không?”. Rồi thầy nhắc lại cho tôi cách học bài ,cách đọc một
câu khi có dấu chấm dấu phết. Tôi cúi đầu lí nhí “Dạ! Con nhớ”. Và nước
mắt rưng rưng. Thầy tôi cười cười, xoa đầu tôi và cho tôi ra sân chơi.
Nụ cười bao dung của thầy đã làm tôi nhớ mãi đến bây giờ.Từ đó tôi đã
hiểu được Ba tôi đã thương yêu chăm sóc chu đáo cho tôi và cũng đã
nghiêm khắc giáo dục tôi chứ không nuông chìu tôi như tôi tưởng. (Sau
nầy lũ nhóc học trò của tôi cũng đã dùng cái “chiêu” mà tôi đã dùng để
đối phó với cha mẹ để tôi phải bị phụ huynh đón đường mắn vốn, nhưng tôi
không bực mình hay khó chịu vì hiểu được đó là cái “luật nhân quả” mà
tôi đã tạo ra…).
Thời
gian đi thật nhanh, rồi tôi đã học xong chương trình tiểu học và thi
đậu vào lớp đệ thất của trường trung học TCV ở thịxã. Lớp tôi thi đậu
được 2 đứa (tôi và một thằng bạn ở xóm trong). Các anh chịlớn đa số ở
nhà làm ruộng, lấy vợ, lấy chồng. Bọn học trò nhỏ nhỏ như tôi thi không
đậu thì vào học trường tư thục. Ba mẹ tôi rất vui. Riêng tôi xen lẫn
niềm vui là cái lo lắng. Một khung trời mới đang mở rộng ra chào đón
tôi. Trường trung học cách xa làng quê tôi 8 cây số nên đây là lần đầu
tiên tôi phải xa nhà. Để chuẩn bị cho năm học mới, Ba tôi mua tặng tôi
chiếc cặp da và một cây viết pilot màu hồng hồng như cái bình mực không
đổ mà ba đã tặng tôi ngày nào. Mẹ tôi dắt tôi lên ông thợ may ở đầu chợ
may cho tôi một bộ quần áo dài trắng mới (nếu mà biết “điệu điệu” nhưsau
nầy chắc tôi không chịu để mẹ dắt đi may ở ông thợ nầy đâu vì ở quê có
khi nào ông may áo dài đâu). Chị tôi mua cho tôi một rame vở Cyclo giấy
trắng tinh và bao bọc cho tôi thật đẹp. Ngày khai giảng của năm học
đầu tiên ở bậc trung học đối với tôi thật là một ngày trọng đại.
Cái
cảm xúc của tôi lần nầy mới thật giống cái cảm xúc của nhà văn Thanh
Tịnh trong ngày đầu đi học. Trong hơi sương lạnh lạnh của buổi sáng mùa
thu, tôi theo chị tôi và mấy người bạn trong nhà trọ háo hức đến trường.
Chiếc áo dài bó sát người tôi thẳng đuột từ cổ đến bụng trông như cái
đòn bánh tét. Tay ôm cặp, tay cầm chiếc nón mới. Đôi guốc sơn cứ trật
qua trật lại dưới chân tôi. Đôi guốc mà chị tôi mới mua cho tôi chiều
hôm qua ởhiệu guốc Mỹ Sơn nổi tiếng ở thị xã. (Tôi chưa quen đi guốc
chút nào vì lúc đi học ở quê tôi thường mang dép chứ có mang guốc bao
giờ đâu). Cổng trường đông nghẹt học trò. Còn sớm quá nên cổng trường
chưa mở. Chị tôi thì tíu tít mừng rỡ gặp lại bạn bè sau “chín mươi ngày
nhảy nhót ở miền quê”, còn tôi và một số học trò “ở nhà quê lên tỉnh”
đứng khép nép bên cổng trường. Tôi tò mò dõi mắt vào bên trong. Ngôi
trường mới nầy đối với tôi trang nghiêm quá. Các thầy cô đang lăng xăng
đi lại trên hành lang. Ở góc trường, gốc đa già có rễ to treo lòng thòng
và bò ngoằn nghoèo như những con rắn. Bóng đa, tàng lá xum xuê xòe ra
che mát cả dãy phòng học sát cổng trường. (Gốc đa nầy đã đi vào ký ức kỷ
niệm của bọn học trò chúng tôi sau nầy khi nhắc về mái trường xưa). Tôi
đang miên man quan sát ngôi trường, bỗng dưng có ai đó gọi tên tôi (cái
tên cúng cơm ở nhà) “S.! S.”. Tôi nhìn theo hướng phát ra tiếng gọi và
giật mình khi thấy Ba tôiđứng bên kia đường. Một tay đặt trên ghi-đông
xe đạp, một tay chống nạnh. Đầu Ba đội cái mũ dạ. Bộ đồ Âu màu trắng,
ống quần bên phải được xắn lên cao (Ba tôi thường cẩn thận làm như vậy
để được an toàn và không bị xích xe đạp cắn lủng hay làm dơ quần). Tôi
mừng muốn khóc vì đã một đêm rồi tôi xa nhà , xa Ba Mẹ. Tôi muốn chạy
nhanh đến với Ba nhưng đôi guốc không cho phép tôi thực hiện ý muốn. Tôi
đi chậm chậm đến bên Ba hỏi vội: “Ba xuống chi sớm rứa?”. Ba tôi không
trả lời, Ba mở cái túi vải treo ở ghi-đông xe đạp lấy ra đưa cho tôi cái
bình mực Pilot. Thì ra tôi đã đểquên nó khi dọn hành trang xuống nhà
trọ chiều hôm qua. Cầm lấy bình mực tôi hối hả nói với Ba vì sợbạn bè
thấy được tưởng tôi còn “mè nheo mít ướt”. “Con có đủ mực rồi, thôi Ba
về đi”. Ba tôi nhìn tôi cười cười nhưhiểu ý rồi ba nói “Được rồi, Ba về
bây giờ đây”. Tôi quay trở lại cổng trường rồi theo đám bạn vào lớp,
không quay lại nhưng tôi vẫn biết Ba tôi vẫn còn đứng đó nhìn theo tôi.
Cô bé học trò nhà quê“ngô ngố” nay đã là cô nữ sinh trường trung học TCV
ở thị xã.
Năm
tôi học lớp đệ thất cũng là năm mà phong trào Phụ nữ liên đới và Thanh
niên Cộng hòa của bà Ngô Đình Nhu lên cao. Trong ngày lễ Hai Bà Trưng
năm đó, bọn học sinh nữ trường tôi được lệnh tham gia đầyđủ trong lễ
trại nầy. Thời gian cắm trại là 2 ngày một đêm, Địa điểm cắm trại ở
ngay trước cổng tỉnh đường. Khoảnh đất nầy trước đây là một cánh đồng
ruộng, bây giờ nằm trong phạm vi của tòa tỉnh. Tôi chưa bao giờ được
tham dự vào sinh hoạt như thế nầy nên cảm thấy thích thú lắm. Buổi tối ở
trại bọn nữ sinh tụi tôi chẳng đứa nào dám trốn trại về nhà. Sau khi
phần văn nghệ và đốt lửa trại chấm dứt, chúng tôi kéo nhau về ngủ ở lều
trại của lớp. Chúng tôi nằm sắp lớp chen nhau như cá. Sương đêm lành
lạnh cọng thêm cái mùi ngai ngái của bùn non từ dưới đất toát lên đã đưa
chúng tôi vào giấc ngủ. Sáng hôm sau, khi còi báo thức của Ban chỉ huy
trại nổi lên, chúng tôi tung chăn dậy. Sau khi làm vệ sinh cá nhân,
chúng tôi lo dọn dẹp lều trại để BCH trại chấm điểm. Đang lăn xăn làm
việc tôi đưa mắt nhìn ra khoảng hàng rào vòng đai của trại. Lố nhố nhiều
bóng người và những gánh quà rong bán thức ăn buổi sáng. Tôi nhìn thấy
bóng dáng Ba tôi đứng lẫn trong đám người lố nhố đó. Ba tôi cũng nhìn
thấy tôi . Ba đưa tay vẫy vẫy. Vẫn như lần trước, Ba tôi một tay vịn
ghi-đông xe đạp, một tay vẫy tôi. Cũng ống quần bên cao bên thấp, Ba tôi
đã có mặt ở đây từ sáng sớm. Chắcđêm qua Ba không ngủ được vì lo lắng
cho chúng tôi. Tôi chạy ra chỗ Ba đangđứng.
Cũng
như lần trước tôi vội vã hỏi Ba “Ba xuống chi sớm rứa?” Ba không trả
lời mà đưa tay vào túi quần lấy ra một nắm tiền lẻ dúi vào tay tôi, Ba
nói “cất đi để ăn quà, chia cho chị con một ít. Thôi Ba về đây, cuối
tuần tụi con về chứ?”. Rồi Ba quay ra về liền. Chắc là ở nhà đang vào
vụ mùa. Lần nầy tôi lại đứng yên nhìn theo Ba tôi. Cái dáng Ba lom khom
trên xe đạp đã làm lòng tôi cảm thấy bâng khuâng. Bây giờ mỗi lần nhớ
lại tôi lại thấy thấm thía với 2 câu thơ của ai đó mà tôi đã đọc được “
Nước biển mênh mông không đong đầy tình Mẹ; Mây trời lồng lộng không phủ
kín công Cha”.
Những năm đầu của chương trình trung học tương đối nhẹ hơn nên tôi
không phải lo chuẩn bị bài nhiều vì thế cuối tuần nào tôi cũng về quê.
Về để được gần gũi với Ba Mẹ và cũng để kiếm chút tiền để tiêu vặt. Lúc
nào ngoài số tiền cố định của mẹ cho Ba tôi cũng cho thêm mỗi đứa một ít
tiền lẻ nữa. Những ngày tháng tôi xa nhà đi học xa, mẹ tôi thường dồn
hết những đồ vật kỷ niệm thời nhỏ của tôi vào một cái rương nhôm cất chỗ
bàn học của tôi. Mỗi lần về thăm nhà , lúc rãnh rỗi tôi thường mở
chiếc rương nhôm đó ra xem, mân mê từng món. Trong rương chẳng có gì quí
giá hay to tác cả, thế mà tôi quí lắm. Một bộ thẻ với trái banh tennis
mà Ba mua cho trong một lần đi xa về, một chuỗi dài dây su (thun) thắt
chập 5 dài như con rắn (tài sản tôi có được trong những lần chơi đá dây
su với bạn bè), một bộ nồi niêu, soong chảo mà tôi hay chơi đồ hàng,
cúng quảy với bạn bè, những con vật bằng nhựa thật dễthương mà tôi đã
mua góp nhặt từ cửa hàng của ông hai Dinh trước nhà và nhiều thứ linh
tinh. ..Đặc biệt là có cả cái bình mực không đổ của Ba tôi mua cho cũng
nằm cả trong rương, bây giờ mực đã khô đóng lại dưới đáy bình…
Mấy năm sau chiến tranh ngày càng lan nhanh và quê tôi tràn bóng
giặc. Gia đình tôi và bà con ở quê gồng gánh dắt dìu nhau bỏ quê tản cư
về sống loanh quanh ở ngoại ô thị xã, bỏ lại sau lưng cái tài sản đã một
đời gầy dựng. Bên cạnh cái tài sản lớn lao của ba Mẹ tôi bỏ lại, riêng
tôi cái rương nhôm, cái tài sản quí giá thân thương của tôi cũng chẳng
còn! Cuộc sống của gia đình tôi thay đổi từ đây. Nàng tiên tưổi thơ của
tôi cũng bỏ tôi đi mất! Ba Mẹ tôi buồn lắm. Riêng Ba tôi đã không chịu
đựng được với cái biến động lớn lao của cuộc đời nên lâm bệnh… Không bao
lâu sau Ba tôi kiệt sức và đã ra đi vào mùa xuân năm Mậu Thân 68.Tôi mơ
màng nhớ lại tiếng hát của lũ nhóc học trò tôi thánh thót ngày nào:
“Ba sẽ là cánh chim, đưa con đi thật xa, Mẹ sẽ là bông hoa, cho con cài lên ngực. Ba Mẹ là lá chắn, che chởsuốt đời con…”.
Lá
chắn cuộc đời tôi đã không còn. Ngày ấy tôi vừa 17 tuổi. Mười bảy năm
sống bên Ba tôi chưa làm được gì để đền đáp ơn Ba tôi. Chỉ là những
tháng ngày vô tư, hưởng thụ những gì Ba tôi đã chăm sóc, lo lắng cho
tôi. Thậm chí đến một câu nói cámơn Ba hay biểu lộ lòng yêu thương đến
với Ba cũng không có. Hơn nữa thời đại của tôi lúc đó còn lạc hậu, quê
mùa nên chưa ai có thói quen để làm việc nầy. Cũng như thuở đó, con cái
đâu biết ngày sinh nhật của Ba Mẹ để nói một câu chúc mừng cho Ba Mẹ
vui. Bởi vậy tôi không có một dịp nào để nói lên được lòng yêu thương
Cha Mẹ của mình. Chả bù lại bây giờ , các con của tôi cũng như lớp hậu
duệ của chúng ta được may mắn sống trong một đất nước văn minh, hấp thụ
được văn hóa Âu Mỹ, hằng năm có ngày dành cho Cha, ngày dành cho Mẹ…
Tụi trẻ có nhiều cơhội để thổ lộ được tình cảm của mình đối với đấng
sinh thành… Mỗi năm cứ đến ngày sinh nhật của tôi, tiếng điện thoại
reo, tôi nhắc điện thoại lên thì nghe tiếng con gái tôi trong veo từ đầu
dây bên kia: “A lô! Mẹ đó hả, con đây nè, Bé lớn đây mẹ! Con gọi về
chúc mừng Mẹ ngày sinh nhật vui vẻ. Con mới vừa ra khỏi chỗ làm nên gọi
về Mẹ hơi trể. Ba Mẹ có khỏe không? Mẹ làm chi đó? Mẹ chuẩn bị đi ngủ
chưa? Thôi chúc Mẹ ngủ ngon há. Ngày mai con gọi lại. Mẹ ơi! Nhớ Mẹ quá
hà! Con bye Mẹ!”. Giờ giấc hai miền đông tây nước Mỹ khác nhau nên mỗi
lần con gái tôi gọi về thường trể. Nhưng không sao! Chỉ chừng đó thôi
cũng đủ làm cho tôi vui cả buổi tối. Làm cha mẹ chẳng đòi hỏi nhiều nơi
con cái. Chỉ một chút xíu quan tâm cuả con cái cũng đã đem lại niềm vui
cho cha mẹrồi (Ấy thế mà cũng có người quên mất để cha mẹ phải buồn
lòng!). Thế nhưng niềm vui của tôi cũng không được trọn vẹn! Tấm lòng
người mẹ thương con thường hay suy nghĩ vẫn vơ. Tôi lại nghĩ về con tôi.
Con gái tôi như cộng cỏ nhỏ cốgắng vươn lên để vượt qua cơn lốc xoáy
của cuộc đời… Lại hồn nhiên để sống, để đem lại niềm vui cho tôi. Còn
tôi tự trách mình – Một người mẹ bất lực – Không làm được gì cho con như
Mẹ tôi đã từng làm cho tôi… Tôi lại thao thức nghĩ về Ba tôi, về Mẹ
tôi…Phải chi bây giờ còn Ba tôi, còn Mẹ tôi bên cạnh tôi cũng sẽ nói với
Ba Mẹ tôi: “Ba Mẹ ơi! Con xin cám ơn Ba Mẹ đã cho con một thời thơ ấu
thật tuyệt vời…”
Charlotte, Xuân Tân Mão 2011
Nguyễn Thị Duy
No comments:
Post a Comment