Trường Trần Cao Vân Hành Khúc

Trường Trần Cao Vân Hành Khúc

Thursday, December 26, 2013

Ván Cờ - Nguyễn Thị Nguyệt

 
Ngày xưa anh cùng em chơi cờ
Cờ Caro trên những ô vuông nhỏ tý
Em thắng  cả mấy chục ván
Anh chẳng thắng ván nào
Đâu biết anh để em vui
Chừ nghĩ ra thất cười
Cuộc đời nhiều ván cờ anh nhỉ
Mà ta phải chiến đấu
Chiến đấu cả cuộc đời
Đã lâu không gặp lại
Bốn mươi năm rất dài
Khi đất nước đổi thay
Em nhiều bôn ba
Em trôi đời trên thác ghềnh
Chông chênh
Anh lao khổ, tù đày

Ván cờ nầy anh không nhường nữa
Nhất định anh phải thắng
Đó là Ý Chí
Cuối cùng là ván cờ định mệnh
Anh phải thắng nghe anh
Hạnh phúc cuộc đời
Đang trở về với anh ngọt ngào
Dù bôn ba nơi xứ người
Nhiều cam go
Nhưng rất tự do-Bình đẳng
Anh chiến thắng với căn bệnh của anh
Bằng sức lực phi thường
Còn em mãi cầu xin ơn trên
Phù hộ cho anh qua cơn hoạn nạn
Anh phải sống cùng chúng em
Cùng vui chơi ở cuối đời sương khói
Cùng ôn lại một thời trên quê hương
Đầy thân thương và khốc liệt
Em sẽ còn thấy anh vui tươi
Ở những kỳ Đại Hội
Em còn khao khát
Cùng anh đánh một ván cờ nữa
Ván cờ Caro thật sự
Đo bằng tài trí
Hy vọng anh không nhường cho em thắng
Đó là ván cờ thực, không trẻ con
Như ngày thơ ấu
Anh mãi là anh rất chi dễ gần guĩ
Anh tràn đầy nghị lực
Một thời tô điểm chút Non Sông
Với em anh luôn hiện hữu trong lòng
Hãy cố gắng anh nhé
 
Kính tặng anh :Vỏ Hưủ Chỉnh
Thương anh
 
Em: Nguyễn Nguyệt
1/10/2013

TIẾC THƯƠNG ANH - Trần Kim Khôi

 
 
Nghe được tin Anh  vội vã ra đi
Khiến mọi người đều bàng hoàng sửng sốt!
Đâu ai nghĩ Anh ra đi đột ngột
Khi tuổi đời đang độ giữa hàng năm?
 
Còn biết bao nhiêu việc đợi Anh làm
Khi dân Việt còn chịu nhều oan khuất
Vắng bóng Anh thì lấy ai gánh vác
Những việc cần người nhiệt huyết như Anh?
 
Cuộc đời Anh là một chuỗi đấu tranh
Phải đương đầu với bao nhiêu bất hạnh
Từ bé đã chẳng đầu hàng nghịch cảnh
Thách thức số phận, Hùng Dũng tiến lên!
 
Với ý chí sắt đá, với niềm tin
Anh tự thắng để thành người hữu dụng!
Nhờ đó tài năng có cơ tỏa rạng
Và dấn thân lo gánh vác việc chung.
 
Với từ tâm, Anh dấn bước quên mình
Để cứu giúp những người đang khốn khó
Không ngại gian lao, không màng danh lợi
Nơi nào cần là nới đó có anh!
 
Rồi trước cảnh đổi đời nước mất nhà tan
Anh đau xót thấy đồng bào khốn khổ
Lòng yêu nước bừng lên trong tim trẻ
Anh quyết lao mình vào cuộc đấu tranh
 
Thề chiến đấu chống lũ cộng gian manh
Cùng bạn bè lập phong trào “Hưng quốc”
Những buổi nhạc đấu tranh chứa chan tình dân tộc
Từng đem lời ca tiếng nhạc vực lòng người!
 
Dấu chân Anh in khắp bốn phương trời
Thoắt Đông thoắt Tây, nay Nam mai Bắc
Hết đài phát thanh lại đêm “canh thức”
Không nơi nào không có bóng dáng Anh!....
 
Quả không ngoa khi lắm người ví von
Anh là trái tim của phong trào chống Cộng
Và chính Anh cũng là ngôi sao sáng
Nêu cao gương cho tuổi trẻ dấn thân.

Công của Anh được thế hệ vinh danh!
Chí của Anh được mọi người quí trọng!
Lòng của Anh không ai không ngưỡng vọng!
Tên của Anh được hậu thế khắc ghi!
 
Nay dù Anh đã đột ngột ra đi
Nhưng Anh vẫn sống mãi trong lòng Dân Tộc!
Nguyện cầu Mẹ Việt Nam đón hồn Anh hội nhập
Vào Khí Thiêng Sông Núi mãi Trường Tồn…
 
            Charlotte ngày 26 tháng 12 năm 2013
                       Trần Kim Khôi

Thursday, December 19, 2013

Chúc Mừng Giáng Sinh

Tản Mạn Giáng Sinh - Thơ Vũ Khắc Tĩnh

 
Ta ngơ ngác gọi bên lề khản tiếng
Chúa ngôi cao và em ở xa vời
Bài Thánh ca vang đêm giá rét
Chúa ở đâu ? Chúa ở khắp mọi nơi
 
Ta kẻ phiêu bạt xa quê quán
Nợ áo cơm khắp nẻo tha hương
Lận đận bữa lên rừng xuống biển
Lại quay về nương náu phố phường
 
Đi giữa Sài Gòn mênh mông quá
Những ngọn đèn nhấp nháy lưng chừng
Ba ơi ! Ba không còn sống nữa
Nỗi buồn nỗi nhớ nỗi rưng rưng
 
Quê xa đăm đắm mùa bão lũ
Giáng sinh giá rét lạnh run trời
Muốn về lại giáo đường đêm Thánh lễ
Nghe tiếng chuông thánh thót giọt rơi
 
Nghe thông reo hát mừng đón Chúa
Máng cỏ lạnh tê giữa đêm đông
Vẫn đấng hài nhi mà ta thì bạc tóc
Chúa ấm trong hang ta lạnh trong lòng
 
Nến leo lét những thiên thần áo trắng
Chúa ra đời trong đêm lạnh thế ư
Mấy mươi năm qua Chúa có yêu nhân thế
Mẹ Đồng trinh có thương xót nhân từ
 
Ta ngơ ngác gọi bên lề khản tiếng
Chúa ngôi cao và em ở xa vời
Vũ Khắc Tĩnh

Sunday, December 15, 2013

CHIA BUỒN




Vừa nhận được tin buồn phu quân cũa chị Trương Vĩnh Yên,( cựu học sinh Trần Cao Vân, Tam Kỳ)
là Ông NGUYỄN ĐÌNH MẬU đã từ giả cõi trần hôm 12/12/2013 tại Houston, Texas.
Một số Anh Chị Em bạn cùng trường Trần Cao Vân và Nữ Trung học Quảng Tín, kính gửi lời chia buồn đến chị Vĩnh Yên cùng tang quyến.
Nguyện Hương Linh Ông NGUYỄN ĐÌNH MẬU sớm vãng sanh về Miền Cực Lạc
 
Đồng thành kính Phân Ưu

Saturday, December 14, 2013

TAM KỲ ,TRƯỜNG XƯA VÀ TÌNH YÊU - Cựu GS Phan Anh Tài

 

Thân tặng các em cựu học sinh Trung Học TCV, NTH ,ĐT ,HĐ ,BĐ


Nhặt vài chiếc lá rơi
Vàng trên thềm hoa cũ
Thầm đếm dấu chân xưa
Còn bao điều trăn trở
 
Trang sách nào đã xa
Hồng tươi màu ký ức
Nét mực nào phôi pha
Vẫn âm thầm thao thức
 
Đâu những buổi tan trường
Rợp đường tà áo trắng
Tóc vờn bay trong nắng
Để một đời vấn vương
 
Sân trường hoa phượng nở
Từng cánh nhẹ nhàng rơi
Nắng trải dài thương nhớ
Biết bao giờ phôi phai
 
Như trăm sông nghìn suối
Chảy xuôi về biển khơi
Bao cội nguồn tri thức
Mãi sáng tươi trong đời
 
Ôi ,Những mùa xuân qua
Có khi nào trở lại
Nhưng Tam Kỳ trẻ mãi
Với những người đi xa
 
Em đi theo năm tháng
Cánh chim trời thênh thang
Tôi về trong kỷ niệm
Nhớ thương em vô vàn
 
Thương loài nhạn bay cao
Mãi ngàn năm trên sóng
Trên vách đá cheo leo
Giữa trời xanh biển rộng
 
Tôi mong các em về
Hương thơm ngày trở lại
Thuyền rời xa bến mãi
Có tiếc ngày  vui qua
 
Tam Kỳ ơi ,Tam Kỳ
Từng níu bước chân đi
Đã xui người xa đến
Đừng nói lời biệt ly ,.
PHAN ANH TÀI
Cựu Gs trường Trung Học Trần Cao Vân Tam Kỳ

Thursday, December 12, 2013

CHUYỆN THẰNG ĐÔNG VÀ CẬU NGỌC - ANH - Hoàng Vĩnh Lạc



Từ Hội - An  chuyễn trường vào Tam Kỳ niên khóa 67 - 68 trọ nhà thiếm  tôi ở đường Nguyễn - thái - Học mấy tháng vì nhà đông người nên tôi lại dời xuống ở nhà chú Hy trong khu đất vườn nhà bà Trợ - Lâm .

    Chú Hy gọi theo tên con , tên của chú là Hồ - Quang - Phụ chú làm ở ngoài Ty nông nghiệp , quê chú ở xã Kỳ - Long quận Tam - Kỳ anh em chú ở khu này đông lắm toàn là những người hiền lành chất phác , không hề gây hấn hay tranh cải gì với ai cả . Thủa đó mấy quận miền núi đều bị mất an ninh việc đi lại khó khăn , nguy hiểm ,  chú thiếm có ba đứa con , con Hy lớn nhất đến thằng Hoanh rồi đến Quang vợ chú cũng hiền lành , ở trọ nhà chú gồm có tôi , Nguyễn - Huệ , Cao - Ngọc - Anh  và Nguyễn - Em cùng học một lớp . Trước mặt nhà chú là nhà của ông Đại - Úy Quế người Huế nhà ông có hai cháu gái Hường đẹp hơn Nga mấy đứa tôi ưa ghẹo nên hai cô muốn ra giếng xách nước lựa khi không có mấy đứa tôi ở nhà và cạnh nhà ông Quế là tiệm bán thuốc cao đơn hoàn tán gia truyền của chị Lương - Thị  Hồng - Đào con ông Lương - Trọng - Hối làm ở Quốc Hội thời Việt - Nam Cộng - Hòa phía sau là nhà ở có anh Phan - Anh - Tài bà con của chị dạy học ở trường Trần - Cao - Vân và mấy đứa cháu Tập - Liễu - Đào . Tôi cũng hay qua đó đi chơi với anh Tài

 Nhà chú Hy thường có chú Lương - Ngọc - Mai ( chú Kế ) người cũng ở Kỳ - Long và cùng làm chung với chú ngoài Ty nông nghiệp hay tới ngủ lại vì vợ con chú còn trên quê . Chú Mai vui tính hay nói tếu mấy đứa tôi cũng mến chú ấy lắm cái tên của chú tôi không bao giờ quên vì tên ngược lại của ông già người tình đầu tiên của tôi , khi nào  tôi nhớ đến ông gia hụt Mai - Lương - Ngọc là nhớ ngay tới chú Lương - Ngọc - Mai liền .

  Hôm đó tôi đi học vừa về thấy chú Mai và đứa con trai nhỏ hơn tôi độ 5 , 6 tuổi đang ngồi ăn cơm với gia đình chú Hy , mấy đứa tôi thiếm dọn ăn riêng . Ăn uống xong cả nhà ngồi uống nước đàm đạo việc đời , tôi hỏi chú Mai em này là con chú à ? Chú nói không phải cha mẹ nó ở xã Phước - Tiên , thuộc Tiên - Phước thôn của nhà nó và thôn của chú giáp nhau nên mới quen biết , nhà của nó nghèo khổ nên cha mẹ nó còn ở lại trên quê chỉ mình nó chạy xuống đang đi tìm việc làm và chú hỏi mấy đứa tôi có quen ai cần người làm xin giúp cho nó với . Tôi quay qua hỏi nó tên gì ? Nó nói em tên Đông  tối đó Đông và chú Mai đều ở lại nó kể chuyện nhà nó đã nghèo không có đất ruộng cha mẹ lúc khỏe đi làm thuê , nay già yếu mà bịnh lây lất khoai sắn qua ngày còn ở trên quê . Nghe nó nói tôi thấy tội nghiệp nó quá và cứ nghĩ thử ai quen tôi đang cần người làm , trong nhất thời không biết ai cả .

   Sáng ra chú Mai , chú Hy đi làm nó cũng đi luôn . Tôi dặn nó có đi đâu ít hôm ghé lại lỡ anh xin được việc làm cho Đông thì đi liền nó dạ và ra đi , ba hôm nó quay lại nói em không tìm được việc gì cả chắc em phải trở về nhà .Tôi bảo nó từ từ chứ em về lại họ có để yên cho em không ? Nó nói em còn nhỏ không sao đâu ?  Ở đây không đi làm được cơm nước đâu có tiền mà ăn uống . Tôi dàn xếp với nó tạm thời anh nói chú thiếm Hy nấu cơm cho Đông ăn vài tuần anh sẽ lo cho Đông rồi nó đồng ý ở lại .

   Nó ở đấy được mười ngày , buổi chiều đi học về ăn uống xong tôi kêu nó đi dạo phố với tôi  hai anh em tành tành đi ra hướng chợ chiều ngang qua nhà cậu Ngọc - Anh ( Ngô - Diêm ) bà con bên ngoại tôi ông có đại bài gạo , tiệm tạp hóa lớn vào hạng nhất nhì ở phố Tam - Kỳ thời ấy có cây xăng , dầu , cậu mợ lúc đó có mấy người con để tôi tính thử Hoa con gái lớn Ngô - Cúc nè , Ngô - Kỷ nè ( Ngô Kỷ học lớp với tôi ở Đức - Trí ) Dũng nè Bổn nè . . . Thấy tôi cậu gọi vào chơi , tôi xin nói qua ông cậu này là một con người tuy tiền rừng bạc bể giàu có như vậy mà tâm đức rất là tình cảm , cậu  hiền lành vui vẻ , bình dân không khi người , thị của , cậu rất thương tôi coi tôi như cháu ruôt của cậu Cúc - Kỷ đều hiểu , hồi mới vào Tam - Kỳ cậu cứ bảo tôi về nhà cậu ở học với Kỷ . Nhưng thật lòng mà nói nhà cậu giàu có , buôn bán kẻ ra người vào nên tôi không lại ở . Tôi hỏi cậu có việc gì làm không cho Đông làm với cậu nói được cậu đang cần một người bán xăng , dầu . Nói chuyện với cậu một lát hai anh em ra về qua ngày sau Đông ra nhận việc , công việc đó đối với Đông cũng không cực nhọc mấy , nhưng Đông làm được gần ba tuần không chịu được mùi xăng dầu cứ bị say xăng hoài . Đông về nói với tôi rồi tôi ra nói với cậu , mợ  . Cậu cũng khen nó làm được nhưng nó không chịu được mùi xăng . Cậu mợ cho nó một tháng lương luôn .

   Bí quá tôi phải đưa Đông về nhà kể cho mẹ tôi nghe về hoàn cảnh của Đông . Mẹ tôi khuyên tôi cố tìm giúp việc làm cho Đông , suy nghĩ mãi rồi lại sực nhớ đến anh Phụng , tôi liền xách xe chạy lên cỗng MP  ở núi Quế , dựng xe xong tôi vào chỗ người Mỹ gác cỗng nhờ nhắn anh Phụng TD ra . Khi gặp anh tôi nói việc của Đông anh bảo em đừng lo anh sẽ xin cho , hai ngày sau Đông đi làm lúc đó Mỹ mới tới cũng cần nhiều việc lắm , đến ngày anh Phụng hẹn đón nó vào sở làm từ nay tôi được yên tâm đi học không lo chuyên của Đông nữa .

 Tôi cả nhà tôi , gia đình chú Hy , chú Mai đều mừng cho nó , đi làm chiều về ăn ngủ nhà tôi , mẹ tôi không lấy đồng nào cả được tháng rưỡi hôm đó cuối tuần tôi về nhà đến tối mà không thấy Đông về cả nhà tôi nghĩ chắc trên đồn Mỹ cần làm thêm nên nó về trể , qua sáng hôm sau anh Phụng chạy xe xuống nhà tôi hỏi Đông đâu rồi ? Tôi nói tối qua không thấy nó về  Chứ không phải nó ở làm thêm trên đó sao ? Anh Phụng kể nó làm cho ông Đại úy Paul ông có cái đồng hồ Longines nạm hột xoàn nó lấy mất để ông Paul phàn nàn anh  , tôi phải xin lổi anh Phụng vì tôi mà anh bị người ta nặng nhẹ . Mà tội cho anh Phụng thật anh đã coi tôi như một người em và giúp cho tôi nhiều việc cũng vì lòng thương người của tôi mà gây cho anh điều khó xử

  Tôi vào nhà chú Hy kể lại sự việc ai cũng tức giận trách nó và cùng chia xẻ sự bức rức ở nơi tôi rồi mọi người đều đoán nó về lại trên quê  . Gần hai tháng sau tôi nhận được một lá thư của nó từ quân trường gởi về xin lỗi tôi vì nó không dằn được lòng tham khi thấy đồng hồ đẹp quá mà làm cho tôi phải mang tiếng , nó viết nói nhiều lắm , xin lỗi mẹ tôi , xin lỗi anh Phụng nữa . Nó kể là khi viết thư cho tôi nó khóc thật nhiều , nói khi ấy sợ quá  vào Hà Lam Thăng - Bình thấy ban tuyển mộ nhảy dù liền đăng ký  , kể từ đó tôi không còn biết tin tức gì của Đông nữa

  Năm 2005 tôi qua Cali thăm chị tôi ở Gardengrove , cậu Ngọc - Anh cũng ở vùng đó , anh chị tôi làm bửa tiệc sum họp có mời cậu , mời Ngô - Cúc , Ngô - Kỷ đến chơi tối đến cậu bảo Kỷ chở tôi lại nhà cậu ở lại hàn huyên với cậu , bao nhiêu chuyện ngày xưa tôi và cậu ở cái phố nhỏ Ba Kỳ , nào chuyện của chị  Thuyền tôi hay goị " Thuyền - Lệ -Ký " Chuyện một người cũng vui lắm chỉ có tôi Cậu và anh Thọ ( BS Thọ ) biết  vui thôi chứ không có gì bậy bạ cả , tôi về ghé thăm anh Thọ hai lần nhắc lại chuyện cũ mà cười với nhau , rồi chuyện Thu - Hồng , Diễm - Ly người đẹp quán cafe'Thượng ,  với thằng Đông đi làm cho cậu có ba tuần mà cậu cũng còn nhớ mà hỏi thăm đến nó , chuyện những ngày sau 75 vào Nam lâu lâu tôi lên Sài - Gòn ghé nhà cậu ở Trân - Quý - Cáp  rồi lâu lâu cậu ra Bà - Rịa ở lại chơi với tôi , cậu nhớ hết . Cậu cứ bảo tôi ở chơi thêm một vài ngày với cậu . Nhưng tôi đi được có một tháng mà còn phải lên chị Hai và cháu tôi ở Seattle nữa rồi , lại đi thăm bà con bạn bè nhiều nơi . Tôi hẹn với cậu không lâu sẽ qua thăm cậu . Nhưng Cậu ơi ! Lần đó là lần con với cậu vĩnh biệt nhau khi nghe tin chị tôi gọi qua báo tin cậu Ngọc - Anh đã mất rồi em ơi !. Lòng con thấy thương cậu vô cùng , một ông cậu họ bên ngoại giàu sang không hề nghĩ đến vai vế mà cậu xem con như một người thân tình có gì cậu cũng hay kể cho con nghe . Con rất kính phục và nhớ những khi cậu nói chuyện tếu rôi cười cười .

    Vì xa xôi con không đến để nhìn và tiển đưa cậu đi về nước Chúa lần cuối cùng được , con chỉ khấn cầu nơi đó cậu mãi mãi là một ông cậu Vui -  Khỏe như thuở nào ở phố nhỏ Ba Kỳ nghe cậu . Dù sao trong tôi cũng còn có được một niêm an ủi là chuyến đi Mỹ đó đã cho tôi gặp lại cậu và anh Đỗ - Phạm - Hiễn tại nhà anh ở Rose Land  lần cuối trước khi hai người giã từ cuộc đời . Thành thật xin lỗi Cúc - Kỷ vì cách trở T. không đến để nhìn và tiễn cậu hòa nhập linh hồn trong ngọn lửa hồng bay vào trong cõi vô hình được .

Viết tại Úc Châu mùa Noel 2013

HÀ - HOÀNG - VĨNH - LẠC  -  NSH

Sunday, December 8, 2013

Chia buồn cùng bạn Võ Công Minh


CHIA BUỒN
 
Được tin buồn: Em trai của bạn Võ Công Minh vừa từ trần tại Tam Kỳ lúc 1 giờ chiều ngày 07/12/2013.
  Thành thật chia buồn cùng bạn Võ Công Minh và tang quyến.
Nguyện cầu linh hồn người quá vãng được sớm về cõi Vĩnh Hằng
   Gia đình Trần Kim Khôi - Trần Yên Hòa
Cùng các bạn cựu học sinh Trần Cao Vân và Nữ Trung học Quảng Tín

Friday, November 22, 2013

Em vẫn là cô giáo - Lam Điền Nguyên Thử

 
Từ cát bỏng, bùn lầy…đến chông gai đá sỏi
Em vẫn bước thung dung, rỉ máu gót chân hồng.
Chuyện xưa: "cái cò lặn lội bờ sông"
Chưa chắc bằng em - ngược giòng thác lũ.
Lấy chồng tàn binh, duyên tình may rủi
Lời khen chê, an ủi...chẳng cần đâu
 
Cuộc đổi thay như sấm nổ ngang đầu
Em vẫn thế, nghĩa là em đã thắng
Anh vào trại em cũng rời bục giảng
Làm mụ nhà quê chân yếu tay mềm
Nặng nhọc trăm bề trút xuống một thân em
Như ngọn liễu xoay mình trong mưa bão
Rời bục giảng! Em vẫn là cô giáo
Dạy bài học kiên trinh, dầu núi lở non mòn
Không bắt chước cái cò "tiếng khóc nỉ non"
Em  nhếch mép coi khinh những nhục hình man rợ
 
Kẻ trả thù anh - âm thầm lo sợ
Đứa bé em bồng, câu hát em ru...
Anh  bao năm còm cỏi một thân tù
Bà con bỏ, cha mẹ già, con nhỏ dại
 
Biết chỉ còn em khấn nguyền chờ đợi
Mái hiên đời chới với nghĩa tình chung
Để hiểu rằng khắp cả non sông
Chỉ có núi với em còn đứng vững
 
Thật xấu hổ võ với  văn  một đời cũng hỏng.
Những bài thơ lóng cóng mấy mươi năm,
Vẫn mơ màng chắp vá chuyện xa xăm.
 
Học trò em những mái tóc hoa râm
Gặp em cúi chào, vòng tay thưa  hỏi
Mãi đến mai sau, em vẫn là cô giáo.
Anh như cậu học trò ngơ ngáo chuyện đời xưa
 
Lam Điền Nguyên Thử

Saturday, November 16, 2013

Chia buồn cùng bạn Tôn Thất Minh



    CHIA BUỒN

Vừa nhận được tin trễ : Cụ TÔN THẤT KHOÁI
Thân phụ của Bạn Tôn Thất Minh, cựu Học sinh trường Trung Học Trần Cao Vân, vừa thất lộc tại Nha Trang hôm 31 tháng 10 năm 2013
Kính gởi Lời Chia Buồn đến bạn Minh cùng tang quyến
Nguyện cầu Hương Linh Cụ Ông sớm về Nơi Cực Lạc

Một số Anh Chị Em cựu học sinh TCV và Nữ Trung học Quảng Tín Đồng thành kính phân ưu

Saturday, November 9, 2013

Đại Hội Liên Trường Quảng Đà tại San Jose : 5/25/2014




Đại Hội Liên Trường Quảng Đà 2014

Kính thưa quý thầy cô, ban đại diên các trường, và các anh chị em cựu HS/LTQD.

Ban tổ chức đại hội LTQD 2014 chúng tôi xin gởi thông báo đến quý vị để biết, đồng thời kính nhờ quý vị post lên website quý trường và giúp ban tổ chức phổ biến thông báo này đến bạn bè. BTC chân thành cảm ơn và cầu chúc an lành đến với tất cả quý vị.
Trân trọng kính chào,

Thay mặt BTC đại hội 2014

Nguyễn Thị Kim Anh
Tôn Nữ Phượng Cát




(xin click vào hình để đọc rõ hơn. Thanks.)

Lễ Phủ Cờ cho anh Nguyễn Hữu Thử

Nhà thơ Lam Điền Nguyên Thử đã Ra Đi

Nhà thơ Lam Điền Nguyên Thử từ trần 


Theo tin từ gia đình, nhà thơ Lam Điền Nguyên Thử tức NT2 Nguyễn Hữu Thử vừa từ trần tại Charlotte, NC, lúc 10:45 phút sáng nay, giờ địa phương, sau một thời gian cầm cự với bịnh ung thư phổi.

TIỂU SỬ NGUYỄN HỮU THỬ

tức

Lam Điền Nguyên Thử


 
 
 
 Nguyễn Hữu Thử sinh ngày 05 tháng 3  năm  1944 (Giáp Thân)  tại xã Điện Ngọc, quận Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.  
- Học tiểu học tại tại trường Tiểu học công lập Thanh Thủy từ năm 1956 đến năm 1958.
- Học trung học tại trường Trung Học Trần Quí Cáp Hội An, Quảng nam từ năm 1958 đến năm 1965.
- Học Đại học Khoa Học Sài Gòn (ban Toán - Lý Hóa) từ năm 1965 – 1968.
-  Phục vụ trong Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa với tư cách là một sĩ quan hiện dịch từ năm 1968 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975.
- Tình nguyện thi đậu vào Khóa 2 SVSQ/Trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị, Đà Lạt. Nhập ngũ ngày 02 tháng 12 năm 1968
-  Huấn luyện Quân sự, Văn hóa và Chiến Tranh Chính Trị tại trường  Đai Học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt từ tháng 12 năm 1968 đến ngày 19 tháng 2 năm 1971.
-  Tốt nghiệp Khóa 2 trường  Đại Học CTCT Đà Lạt với cấp bậc Thiếu Úy hiện dịch ngày 19 tháng 2 năm 1971.
- Phục vụ qua các đơn vị tại Tiểu Đoàn 132 ĐPQ Tiểu Khu Quảng Tín từ tháng 2/1971 đến tháng 12/1974; Đặc Khu Đà Nẵng tứ tháng 12 năm 1974 đến 30 tháng 4 năm 1975.
- Ngày 19 tháng 2 năm 1973 được thăng cấp Trung Úy hiện dịch.
- Cấp bậc và  chức vụ cuối cùng của Nguyễn Hữu Thử là Trung Úy trưởng toán Huấn luyện CTCT Đặc khu Đà Nẵng.
-  Sau ngày 30/4/1975 bị Việt cộng giam cầm tại các trại tù Đại Lộc, Hòa Cầm, Hiệp Đức, Kỳ Sơn, trại 1 Tiên Lãnh  từ ngày 30/4/1975 đến  ngày  10 tháng 3 năm 1980.
- Được thả vào ngày 10 tháng 3 năm 1980.
- Làm ruộng  tại Điện Ngọc, Quảng Nam từ 1980 đến 1985. Đi Kinh Tế Mới làm rẫy tại Long Thành, Đồng Nai từ 1985 đến 1994.
- Định cư tại TP Charlotte, Tiểu bang NC, Hoa Kỳ, theo diện HO 25 vào ngày 14 tháng 8 năm 1994
 
Sinh hoạt văn hóa, văn nghệ:
 
Làm thơ và viết truyện ngắn:
Từ năm 1965 có thơ đăng trong các tạp chí như:
  • Văn Học,
  • Bách Khoa,
  • Văn Nghệ Tiền Phong,
  • Tiểu Thuyêt Thứ Năm
  • Đặc San Ức Trai
 
với các bút hiệu:
Nguyễn Hữu Ngân Hà, Thủy Linh, Nguyên Thu và Lam Điền Nguyên Thử.
 
Xuất bản:
-Sông Ngân (tập thơ)
- “Lời Ru Tình” in chung với các bạn cựu SVSQ khóa 2 trường ĐH/CTCT/ĐL năm 1970.
- Thơ Văn Lam Điền Nguyên Thử
 Hiện nay cộng tác với các Diễn Đàn Thơ Văn, Bạn Văn Nghệ, Đào Viên Thi Các, tam cá nguyệt san Cỏ Thơm.
 
Bạt
 (cuốn Thơ Văn Lam Điền Nguyên Thử vừa mới in xong)

Lời Ru Tình Năm Ấy
 
Hồi đó, cuối năm 1970, anh em SVSQ, Khóa 2/ TĐH/CTCT/Đà lạt của chúng tôi, xôn xao vì sắp đến ngày mãn khóa. Anh em sống với nhau trên 2 năm nên ai cũng thân thiết, chia xa ắt hẳn là bùi ngùi. Tuy vậy, đó  cũng là niềm vui, vì chúng tôi là những con chim bị nhốt trong lồng, phải có ngày sổ lồng để tung bay ra bốn phương trời chứ, để làm tròn ước nguyện của người trai thời loạn.
Tôi nghĩ mình phải l àm lại một cái gì để ghi dấu anh em, tôi tìm đến một số bạn làm thơ, như Đào Trung Chính, Đinh Trường, Trần Đức Đông, Nguyễn Văn Chúc, Phạm Tấn Tài, Lê Trọng Dũng, Nguyễn Hữu Thử, Lê Đại Tấn, Lê  Văn Chua, Trần Thanh Ngọc… nói nhỏ, ê tụi bay, mình in chung một tập thơ đi, để kỷ niêm quân trường, dù gì chúng mình cũng sống tại đây trên 2 năm, biết bao là kỷ niệm…đồng ý thì mỗi đứa góp 2000 đồng nghe. Đứa nào cũng đồng ý…Những ngày sau đó tôi đi thu bài, có đứa, 2 bài, có đứa ba, bốn, năm bài…Tôi nhờ Nguyễn Ngọc Mạnh vẽ bìa. Mạnh hì hục vẻ, một hình bìa rất ấn tượng, là một bức tranh trừu tượng, như là đoá hoa hướng dương, hay là hình mặt trời gì đó…
Tôi quen với Nguyễn Hữu Thử từ đó, tức là Lam Điền Nguyễn Thử, người bạn thơ của tôi, của chúng ta sau này.
Lam Điền, theo Nguyễn Du thì:
Trong sao châu rỏ duyềnh quyên
Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đông.
Thì ra, Lam Điền – tên huyện ở tỉnh Thiểm Tây, Trung quốc, có tiếng là sản xuất ngọc quý. Như vậy Lam Điền Nguyên Thư là viên ngọc quý Nguyễn Hữu Thử. Bạn tôi có hơi tự tin, nhưng đúng vậy, theo tôi, Lam Điền Nguyên Thử là viên ngọc quý trong thơ ca.
Lời Ru Tình được thực hiện và ra đời rất là nhiêu khê, với sự bốc đồng, hứng khởi của tuổi trẻ, chưa biết việc in ấn ra làm sao. Tôi chỉ biết tôi có người anh (vợ) ở Đà Nẵng có nhà in, tôi gởi tất cả bài vở về, chỉ nhờ, tụi em chỉ có 20.000$, nhờ in hộ. Thế thôi.
Thế là đợt nghỉ phép trước ngày mản khóa lần đó, Nguyễn Hữu Thử đi phép trước, tôi nói với Thử, mi về Đà Nẵng, nhớ đem lên sách nhe, được chừng nào hay chừng đó. Thế là Thử ra tay nghĩa hiệp, liên lạc với nhà in và mang lên trường lần đầu tiên 100 cuốn. Một trăm cuốn nặng lắm, thế mà Nguyễn Hữu Thử đã ì ạch mang lên. Lần đó chỉ phân phát cho các tác giả tập thơ, mỗi người 10 cuốn. Đó là lần phát hành đầu tiên của Lời Ru Tình.
Kể lại như vậy để thấy là Lam Điền Nguyên Thử yêu thơ bao nhiêu, tận tụy với thơ bao nhiêu, vì bạn bè bao nhiêu…
Rồi sau đó Khóa 2 ra trường, mỗi bạn tung cánh chim đi khắp bốn phương trời, tôi không gặp lại Thử lần nào nữa, chỉ gặp qua điện thoại hay trên email, vì bạn cũng như tôi, đi chiến đấu, rồi đi tù, rồi trở về, tôi kinh tế mới Tân Biên, Tây Ninh, bạn tôi kinh tế mới tận Quảng Nam…Bây giờ thì Lam Điền ở tận Charlotte, NC. Tôi Nam Cali… đường xa diệu vợi…
Thế mà qua phone, qua email, qua Đặc San Ức Trai, tôi vẫn gặp bạn tôi đều đều. Mỗi năm một lần hoặc 2 lần, khi thực hiện Đặc San Ức Trai, tôi email nhắn Thử, thì Thử sẽ gởi bài ngay. Gởi nhiều thơ và truyện hay bài viết ngắn về Văn học…
Thơ (và cả Văn nữa) của Lam Điền Nguyên Thử rất hay, tôi khen thiệt chứ không phải áo thụng vái nhau đâu, thơ Lam Điền Nguyên Thử trữ tình và Văn rất sâu sắc.
Độc giả hãy đọc suốt tập sách này, coi thử lời khen của tôi có ngoa không?
Tôi nghĩ là không.
Thử ơi! Đây là những đọan viết cuối cùng cho nhau, như một lời tiễn biệt, về chuyến đi xa của bạn.
Thương quá bạn tôi.
 
NT2 Trần Yên Hòa
 

Sunday, October 20, 2013

Một Thoáng Nguyễn Nho Sa Mạc - Nguyễn Vy Khanh




Trong chuyến về Hội An-Đà Nẵng mùa Hè năm nay, tôi đã có dịp trở lại Vĩnh Điện - nay được gọi là thị trấn Vĩnh Điện và thuộc huyện Điện Bàn, Quảng Nam, nhưng không còn nhận ra nơi gia đình đã sinh sống gần 50 năm trước. Vĩnh Điện là một thị-trấn nhỏ nằm trên quốc lộ số Một và ngay trên ngã ba đường đi Hội An, Tam Kỳ và Đà Nẵng. Thời đó cậu bé tôi suốt ngày chơi quanh quẩn nơi nhà ga xe lửa hay nghịch với bạn ở ven sông, một nhánh sông Thu Bồn chảy về cửa Đà Nẵng, hay nhìn nước xoáy mạnh nơi chân cầu Vĩnh Điện, nơi tôi chắc chắn đã có lần mơ đi xa và chưa thể biết những dịp ngồi lại bên cầu mới là quí. Vì thế mà một ông cậu từ Hà Nội vào thăm đã gọi tôi là "xếp ga"!
Nhà ga của cậu bé tôi hình như không xa nhà ga của nhà thơ Luân Hoán:
"... bỗng dời ra tuốt xóm Ga
sờ thăm đường sắt thử xa cỡ nào
chân trời trong giấc chiêm bao
phủi tay tạm gởi mộng vào hư không ..."
(LH -Những Năm Đầu Với Đất Sông Hàn).

Vì dù gì thì gần năm mươi năm của nhiều cuộc đổi đời và nước chảy qua cầu của ấu thời và nhiều nơi khác cùng với chiến-tranh, hòa bình, đã xóa đi nhiều nếp cũ, đời xưa. Ký vãng tôi nay không còn sức để có thể nhận ra dấu vết của khu phố ngày xưa, của căn nhà rất nhỏ bé thời đó. Một trở về để nhận chân thời gian và tuổi đời không ai giữ lại được!
Không xa đó là bến xe Vĩnh Điện nơi nhộn nhịp xe và người nhất là tiếng nói tiếng rao đậm đặc âm hưởng địa phương, âm hưởng trước đó đã làm tôi phải lắng nghe mới hiểu trong một resort của Hội An, tất cả đã làm tôi có cảm tưởng chính mình mới là kẻ xa lạ.
Trường Nguyễn Duy Hiệu bên kia chân cầu và ở hướng đi Đà Nẵng không gợi cho tôi ấn tương nào dù sân trường trồng nhiều phượng đỏ vốn vẫn gây xúc động nơi tôi. Phượng vĩ nơi đây nở rộ vào đầu mùa Hè trong khung cảnh học đường Việt-Nam đã làm bước đi tôi chậm lại như tiêng tiếc một mảnh đời thơ mộng nhất, rất khác với những cây phượng ở phía Nam tiểu bang Floriđa nước Mỹ; một bên cảnh vật có hồn và cả một quá khứ, còn một bên trơ trơ vô tình!
Vĩnh Điện ấu thời của tôi mới đây tôi được biết cũng là nơi nhà thơ Luân Hoán thuở vào đời (thơ và tình!) đã từng đến để tìm bóng dáng người thơ Nguyễn Thị Liên Phượng, một bút hiệu của Nguyễn Nho Sa Mạc, mà thời đầu anh cứ ngỡ là một người nữ địa phương. Mới đây ông kể lại trong Dựa Hơi Bè Bạn do nhà Nhân Ảnh ở Toronto xuất bản (2006) - nhà thơ dựa hơi cả bóng ... người trong thơ! Khoảng năm 1962 , Luân Hoán đã:
"Dắt xe qua cầu gió
Vào thị trấn buồn buồn
Mắt hỏi từng cửa phố
Trong dáng hoa qua đường
Thị trấn nửa cây số
Vốn là quê ngoại tôi
Bỗng nhiên đâm bỡ ngỡ
như chưa từng ghé chơi
Đứng giữa ngã ba bụi
ngó xuống hướng Hội An
ngó vào ngã Nam Phước
ngó ra thành phố Hàn...".
Rời Vĩnh Điện, trở về Hội An, nhiều khu phố ở đây hình như không thay đổi nhiều nếu so với Sài-gòn và một và nơi khác. Với người du khách ngoại quốc có thể là lạ lẫm, nhưng với người trở về thì cuộc sống thực tế đã che mất những nét đẹp của phố cổ được ghi lại trong ký ức văn thơ và hội họa. Qua Ngũ Hành Sơn về Đà Nẵng, trường trung học Phan Chu Trinh vẫn còn đó nhưng cùng hoàn cảnh với các trường học nổi tiếng khác của miền Nam cũ, lớp sơn (hay vôi) được tô lên nhưng người từng có kỷ niệm nhìn vào sẽ đau lòng vì như phải chiêm ngưỡng một hoa hậu tuổi về chiều phải cần đến son phấn trét lên nhưng vẫn không thể che được vết loang lỗ tàn phá của thời gian!

Những ngày ở đó, tôi đã nghĩ đến những nhà thơ văn Thái Tú Hạp, Luân Hoán, Nguyễn Nam An, Hoàng Lộc, Lưu Nguyễn, Phan Xuân Sinh, Đặng Tiến, ... mà tôi quen biết sau này ở hải ngoại, những người từng sinh sống và khởi đầu sáng tác nơi đây. Nhưng nơi đây không còn dấu vết của họ, nếu có chăng là trong kỷ niệm của họ và những người từng sống với họ.
Các hiệu sách đều màu mè khoe nét thời thượng của kinh tế luật rừng và của phong hóa mã hào nhoáng mà ruột rỗng không. Tôi cũng nghĩ đến những nhà văn thơ đã một thời làm rạng danh địa phương, trong có hai nhà thơ vận yểu Nguyễn Nho Nhượng và Nguyễn Nho Sa Mạc (1944-1964). Văn-nghệ sĩ mệnh vắn không phải ít: Phạm Hầu, Nguyễn Nhược Pháp, Thạch Lam, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Vũ Trọng Phụng, ... thời tiền chiến, rồi những Doãn Dân, Y Uyên, Mặc Tưởng, Song Linh, Vũ Hữu Định, ... bên thơ văn và Dzũng Chinh bên nhạc, của thời chiến-tranh quốc-cộng; nhưng trường hợp Nguyễn Nho Sa Mạc để lại nơi tôi nhiều ấn tượng nhất.
Lúc mới biết yêu văn thơ, tức khi đã chớm biết mùi tình ái, sau vài lần thất bát đã cứ ngâm thơ J. Leiba "Người đẹp vẫn thường hay chết yểu, / Thi nhân đầu bạc sớm hơn ai!" như để tìm an ủi, dù người tình chưa ... chết, mà cứ cho là vậy cho đỡ buồn! Thật vậy, thơ Nguyễn Nho Sa-Mạc với tôi là thơ của thời học trò, của những mối tình đầu đời có thể gọi là trong trắng, đầy đam mê và cả thơ dại - đam mê và thơ dại thật và hơn cả thơ tình của những Đinh Hùng, Nguyên Sa, Phạm Thiên Thư, v.v. mà cũng khác với cái đam mê không dứt của Nguyễn Tất Nhiên một thời. Một thứ tình-yêu thân-phận pha chút triết-lý bi đát, phi lý! Nhà thơ bước vào đời và tình-yêu trước, do đó đã để lại "gia tài tình ái" cho đàn em (và hậu nhân).
Thơ Nguyễn Nho Sa-mạc vẽ đậm đặc chân dung những cậu học trò trung học bắt đầu biết yêu, biết "ta đứng dựa lũ cột đèn châm thuốc / Rất vô tư nhìn năm tháng thay màu", cái nhìn đầu đời đó là cái nhìn mở, đầy tin yêu và hy vọng. Trong Mùa Xuân Của Em, người trẻ tuổi Nguyễn Nho Sa-Mạc đối mặt với tình yêu hoặc nói với người tình mà như độc thoại cho cuộc tình:
Rồi xuân sang em nhìn mưa để khóc
kỷ niệm chong đèn thức suốt đêm qua
ngón tay nhỏ lần đan sầu cô độc
tưởng chừng như tuổi trẻ bỏ đi xa
Thứ bảy chiều em rong hè phố cũ
con đường xưa hoa đỏ nở rộn ràng
giòng sông đó bỗng nhiên buồn vô cớ
bơ vơ tìm thương cát sõi cồn hoang
Em đứng dậy xem mây chiều xuống thấp
trời tháng giêng mưa lạnh thấm vai chùng
sân ga nhỏ con tàu không dừng lại
đôi sao buồn ngủ giữa không trung
Gió thì mệt, mùa xuân đang cúi mặt
hàng dừa xanh xõa tóc đứng âm thầm
em muốn nói trên vòng tròn con mắt
hờn mùa xuân với khuôn mặt sa sầm
Rồi xuân đến sau lưng nhiều bão mộng
buổi em về xanh rừng tóc cao nguyên
đồi chiều xa biểu hiện nét mi hiền
tay trắng muốt nuôi linh hồn thảo mộc
Em ngồi khóc, mùa xuân nhăn mặt khóc
môi em buồn cho thời tiết buồn theo
con sông nhỏ bỗng vô cùng cô độc
trôi về xuân với một ít rong bèo..."
Có đứng ở những con sông, bờ biển, cồn hoang, sân ga, sân trường và nhìn bóng các học sinh nam nữ đi bên nhau và đứng ở đây mới 'thấy' được những hình ảnh thi ca mà Nguyễn Nho Sa-Mạc đưa lên giấy! Và cũng mùa Xuân, nhưng đã nhuốm buồn thương không lâu sau đó, với bài Mùa Xuân 21 - còn có tựa Xuân Của Một Người, của anh; phải chăng cũng là mùa Xuân cuối cùng của nhà thơ?
"Chiều cuối năm trải buồn lên vỉa phố
trời quê hương nhiều mây trắng sa mù
hai mươi tuổi những ngày nuôi mộng đỏ
đã xanh rồi cây trái mọc suy tư
Thân với máu xin thắp làm sương khói
giữa trần gian về tìm lại con người
vũng tóc đó tháng ngày qua cỏ úa
lửa của đời thiêu đời tuổi hai mươi
Con mắt trũng hôn vào vòng đất ấm
cọng rác khô da thịt cũng khô cằn
thiên nhiên vẫn mặt-trời-trên-cao-mọc
người tìm chi khu vườn cũ giá băng?
Tôi gọi nhỏ tên người sa nước mắt
ở trên đời vừa đúng hai mươi năm
máu sẽ khô - xin tim này đừng rụng
giữa hư vô phần mộ nhỏ yên nằm
Lũ bạn tôi đứa còng lưng nằm ngủ
đứa vùng lên trong số phận lưu đày
mỗi trái tim hằn vết thương chia cắt
nỗi nhục này cho con cháu mai sau
Tôi thì vẫn tháng ngày xa phiêu lãng
giữa lênh đênh tìm nắm một bàn tay
trời tháng giêng những ngày sầu nổi gió
nhớ Sàigòn thương Hà Nội mây bay "

Nơi mùa Xuân mới này (1964!), ngươi trẻ đã nhiều ưu tư nhân thế; thân thể, máu nồng đã bắt đầu tàn phai, khô khan. Tình-yêu như rời xa, phải thì thầm gọi tên người! Phải chăng chiến-tranh tàn bạo đã đến với những người trẻ những tâm hồn phẫn nộ?
Rồi mùa Hạ đến nhưng trong lòng nhà thơ không có cùng vị trí trân trọng như mùa Thu và Xuân. Mùa Hè với Nguyễn Nho Sa-Mạc là của trống vắng vì là mùa nghĩ, bóng dáng thân thương phải lùi vào tâm tưởng và ký ức:
"Sao không phải là thu cho trời bớt nắng
Mây lưng trời từng buổi sáng đong đưa
dòng sông xanh đến vô cùng yên lặng
Em trở về qua lối nhỏ ngày xưa
Sao không phải là đông để anh rời thành phố
Buổi trưa buổi chiều nối với sân ga
chuyến tàu đi chôn sâu kỷ niệm
Những hoang tàn đổ vỡ tuổi niên hoa
Sao không phải là xuân cho trời cứ đẹp
Cho loài người ca tụng mãi thiên nhiên
để muôn triệu mảnh hồn còn đóng khép
Theo chúng mình ôm hát khúc thiêng liêng...
Là mùa hạ nắng khô rồi anh ơi
Hai người yêu nhau không tìm ra chỗ hẹn
lạc tinh cầu theo gió mát mây trôi...
Hai đứa nhìn nhau không biết cười hay thẹn"
(Mùa Hạ)
Không gian là Vĩnh Điện, Hội An hay Đà Nẵng, thì cũng là trong một chu vi ngắn. Ngoài sân trường, hè phố, ... thì sân ga thường xuyên hiện diện, sân ga của bản tình ca trước mặt hay sân ga của tâm tưởng! Tình yêu ở Nguyễn Nho Sa-Mạc rõ là không phơn phớt, nơi trần bì, mà đã thẩm thấu trong hình hài và tâm tưởng.
Một trong những bài thơ tình đầu tiên của Nguyễn Nho Sa-Mạc là bài Vàng Lạnh ký Nguyễn Thị Liên Phượng, đăng trên tạp-chí Mai năm 1962, một tạp-chí cung cách thủ cựu, khép kín và nổi tiếng với những bài nghị luận khô khan về triết lý và văn-hóa. Bài thơ đến với giới thưởng ngoạn thi ca lúc bấy giờ như một làn gió lạ. Nội dung một thiên tình sử dù chỉ mới bắt đầu và lời thơ được chăm sóc, trau chuốt một cách tuyệt vời. Cái nhất nửa là lời thơ của một nhân vật nữ, lãng mạn nhưng dứt khoát trong tình-yêu - bên cạnh một Trần Thy Nhã Ca rất nữ tính mà cũng rất hiện đại:
Chuyện bữa ấy chiều nay em kể lể
màu môi chôn kỷ niệm đã lâu rồi
mi mắt đó ghi ân tình đổ vỡ
đời nữ sinh vàng lạnh tháng ngày trôi
Em đã khóc cả buổi chiều hôm trước
chúng bạn đùa đã biết chuyện riêng tư
nỗi yêu thương trong đời người con gái
bảo em buồn nức nở trước trang thư
Mới hôm nao người và em gặp gỡ
chiều Quảng Nam còn khép kín chân em
người bước đi qua con đường phố nhỏ
trời mùa xuân em đứng đón bên thềm
Em thầm bảo em thương người ấy lắm
thương những chiều đại lộ bóng người sang
em đứng đâý với môi hồng má thắm
nhìn phố dài bỗng chốc biến rừng hoang
Chuyện bữa ấy chỉều nay em kể lể
dáng mi trầm nuối tiếc những ngày qua
thứ bảy chiều chúng mình mừng sinh nhật
của mối tình sớm nở sớm đi qua".
Lời thơ như vậy làm sao không gây nức lòng mộng mơ cho nhiều chàng tuổi trẻ cho được! Luân Hoán đã là một trong những 'chàng' đó và đã để lại dấu vết trong thi ca!
Bài Vàng Lạnh xem như vừa mới đến với giới thưởng ngoạn thơ thì chỉ hai năm sau, Vàng Lạnh 2 đã xuất hiện, lần này trên tạp-chí Văn Sài-Gòn (số 7, 4- 1964) là tờ báo văn-học nghệ thuật 'IN' nhất thời đó! Câu chuyện tình vẫn đẹp như huyền thoại ấy một lần nữa đến với người yêu thơ, dù mối tình năm nào nay đổ vỡ và bài thơ mang cái không khí Chàm tan hoang tàn tạ nhưng lời thơ vẫn đầy hình ảnh và tình ý:
"Đừng nói nữa bài thơ vàng lạnh ấy
tình ngày xưa xin trả lại cho người
kỷ niệm buồn vui một thuở xa xuôi
chợt đứng dậy đi lần vào thương nhớ
Anh bỏ đi tìm tình yêu thành phố
những khi buồn muốn nhắc lại tên em
đếm những vì sao rơi rụng bên thềm
chợt thức giấc thấy đời mình cô độc
Làm con trai lần đầu yêu để khóc
tập thư màu xanh nước mắt đau thương
xin trả lai em thành phố với con đường
từng buổi sáng buổi chiều ta qua đó
hai mươi tuổi hôm nào yêu người em môi đỏ
tình khai sinh bằng tiếng hát hoàng hôn
những âm thanh não nuột chảy qua hồn
em có thấy tình ra đi nhè nhe
Em còn nhớ chuyện hôm nào kể lể
đôi bàn tay chưa siết chặc làm cầu
khi tâm hồn hai đứa chửa yêu nhau
con nước chảy đi xa rồi cát lỡ
Em có nghe muôn hành tinh đổ vỡ
những mảnh buồn bốc cháy giữa không trung
tình yêu hôm nay mệt mỏi vô cùng
đời vàng lạnh xin em đừng nói nữa".



từ trái, đynh hoàng sa, nguyễn nho sa mạc, luân hoán. giữa, phía sau, hà nguyên thạch


Phải đọc hết bài mới thấm được cái hay của thơ Nguyễn Nho Sa-Mạc. Hai bài Vàng Lạnh đó đã đi vào văn học sử dù tác-giả chúng đã sớm rời cõi đời ở đầu lứa tuổi đôi mươi! Riêng tuổi học trò trung học của chúng tôi thích nhất bài Sinh Nhật đầy hình ảnh, của một người trẻ mới vào đời nhưng vô tình đã có những lời thơ như tiên đoán trước vận số nhà thơ:
"Bằng đôi tay ôm kín nỗi buồn
Ta đi trong trời đất hoàng hôn
Mà nghe sữa mẹ chan hòa cháy
Máu ở buồng tim cùng loạn cuồng
Ta siết hình em trong tiếng hôn
Im nghe da thịt và linh hồn
Giữa không gian rộng ta vùng dậy
Cuộc sống đi vòng quanh áo cơm
Ôi nửa cuộc đời ta đảo điên
Đêm nằm ru giấc ngủ cô miên
Hai mươi tuổi trong hồ suy tưởng
Ngửa mặt nhìn trời đi ngả nghiêng".
Rõ lời và ý thơ chứa nét hiện sinh của thời 1963- 1964 cộng với tí nội dung phận người của thơ Hoài Khanh, Phổ Đức một thời!
Thơ Nguyễn Nho Sa-Mạc trong mấy năm ngắn ngủi đã liên tục xuất hiện trên các tạp chí Mai, Văn, Văn Học, Bách Khoa,... ở thủ đô miền Nam. Sáng tác không nhiều nhưng tất cả đều được trân trọng đón nhận, Nguyễn Nho Sa-Mạc đã là một trong những hiện tượng của một hiện tượng lớn hơn: sự xuất hiện đa dạng và phong phú phẩm lượng cửa những cây viết miền Trung.
Với tôi, cuộc trở về với những kỷ niệm cá nhân đã là một hành trình trở về một thời thi ca của miền Nam tự do và khai phóng!


Nguyễn Vy Khanh