Trường Trần Cao Vân Hành Khúc

Trường Trần Cao Vân Hành Khúc

Wednesday, October 31, 2012

Thơ Trần Thế Phong

 

MÙA THU


Mùa thu không lẽ em đã quên
Vầng trăng khuya chênh chết bên thềm
Anh vẫn mang theo chân trời góc biển
Mái tóc mềm xõa xuống đôi vai

Không l em đã quên, đêm mùa thu
Sương ướt tóc và mắt em đẩm nước
Đêm xa khuất, anh về trong ký ức
Đường mưa giăng, hò hẹn đã bao lần

Đêm thiêng, em đã quên mùa thu
Ai khóc nghẹn ngào trong đêm tối
Ai đốt cháy mùa thu hư ảo
Mùa hoa cúc dại vàng đến nao lòng

Cuộc đời anh đi qua những mùa thu
Đì qua sắc tương tư mùa hương cũ
Bông cúc dại về đâu ai gìn giữ
Nụ yêu nào chưa kịp gởi trời xanh

Mùa thu thuyền trăng về bến cũ
Ai khiến mưa giăng giăng lối sao mờ
Có chú dế mèn ngẫn ngơ tội nghiệp
Sướt mướt sau vườn ngóng đợi mùa thu
 
(Nhạc sĩ Vĩnh Điện đã phổ thành ca khúc
                 "Không L Em Đã Quên")

 Xin bấm vào đây:

http://www.youtube.com/watch?v=OKJIyT5RP4g





CHIM SÁO
BAY QUA VƯỜN NGƯỜI?


Có phải, 
Em hẹn với người ta
Thôi thì chim sáo bay qua vườn người
Tháng giêng ướt áo em rồi
Ướt đầm cả nửa nụ cười tôi hong…

Biết là trời đã tàn đông
Tôi về bẽ ngọn cải ngồng làm dưa
Rưng rưng hoa cải cui mùa
Nhói vàng một thưở xa xưa,
một lần…

Chiều nay tôi đứng tầng ngần
Vại dưa
ép
mấy mươi lần
không chua!!!




Màu  Cỏ Xanh
       

 Anh đặt trái tim mình lên cỏ
Cỏ ngời xanh như thể chưa từng
Ôi sắc cỏ lung linh màu mắt
Cho anh tìm về nhịp thở tháng giêng

Chẳng còn gì khi lối nhỏ rưng rưng
Màu cỏ úa tàn theo cơn nắng dại
Là tình yêu là tình yêu đi mãi
Anh biết làm gì khi gặp nỗi cô đơn

Bờ cỏ xanh cho năm tháng dỗi hờn
Của riêng anh suốt một đời mộng mị
Ôi tháng giêng hát lên lời gì nhỉ
Mà thời gian như thể quay về

Anh gặp lại mình khi tiếng thở đam mê
Cuả loài cỏ ngủ vùi trong ký ức
Là tình anh xoá đi màu hư thực
Đến bên em chẳng chút ngại ngần

Anh vẫn muốn ru lòng theo tiếng cỏ
Nghe nhịp tim mình nhắc lại tháng, năm
Và lời yêu vẫn xanh màu lá cỏ
Khi mắt anh nhìn không vướng nỗi u trầm.



Trần Thế Phong

Những Người Bạn ở Tam Kỳ - Nguyễn Quang Chơn

Cổng trường nào là của ta xưa?


Ai cũng có bạn. Nhưng bạn bè thời trung học là thân thương nhất. Có lẽ vì ở cái tuổi hoa niên này, con người ta như cây đang lớn giữa mùa xuân. Đâm chồi, nảy lộc, nở hoa. Tràn trề sinh lực và tình yêu trong sáng với một tâm hồn chưa vẩn đục bụi đời…
Tôi luôn nhớ về những người bạn trung học của tôi với lòng thương yêu và cả vị tha nữa. Mỗi lần gặp nhau, chúng tôi luôn kể về ngày tháng cũ với tiếng cười như vẫn còn trong vắt tuổi thơ. Tiếng chửi thề mi tau thời đi học mà dường như đã bỏ quên từ lâu trong vạn dặm đời người…

Thời đó tôi học ở trường trung học Trần Cao Vân  thị xã Tam Kỳ.  Thị xã quá nhỏ nên hầu như cư dân thị tứ ai cũng biết nhau và lắm khi chuyện trong nhà chưa rõ, ngoài ngõ đã hay. Tôi đã yêu nơi này đến nỗi, bây giờ nhiều đêm có những giấc chiêm bao mà thức giấc nghĩ hoài mới biết cái không gian trong mộng đó chính là con đường, ngôi nhà, thửa ruộng…ngày xưa của Tam Kỳ..
Bạn bè chúng tôi sau 1975 thì tan tác hết. Những thằng ở lại Tam kỳ đa số theo nghề dạy học và những thằng khác cuộc đời cũng giạt trôi với bao cung bậc. Xót xa hơn là hạnh phúc. Buồn phiền hơn những niềm vui…
Hồi đó tôi có thằng bạn rất thân tên là Đỉnh, gốc Bình Định, hắn là con của một gia đình công chức, cha là trưởng ty Mục Súc, chắc cũng như GĐ sở nông nghiệp và phát triển nông thôn bây giờ. Chỉ một mình ba hắn làm việc thôi là đủ nuôi cả nhà 9,10 người con… Chúng tôi như hình với bóng, đi đâu cũng có nhau,  người ngoài rất hay gọi nhầm tên và bảo hai đứa giống nhau lắm.






tháp Chàm Chiên Đàn



Cùng học lớp Pháp Văn, nhà cách nhau chỉ chừng 100m, cùng có xe honda dame, Đỉnh thì ngoan hiền, tôi thì nghịch ngợm. Tuy nhiên, khi tôi rủ rê trò nào, Đỉnh cũng đều tích cực tham gia. Trong lớp, giờ văn chương, cô cho nhóm thuyết trình. Tôi là thuyết trình viên thì Đỉnh sẽ hát nhạc phụ họa. Tôi đánh nhau thì Đỉnh sẽ là cổ động viên. Rủ cúp cua thì Đỉnh là người ủng hộ hàng đầu…
Cha mẹ hai bên coi chúng tôi như con. Thỉnh thoảng được mẹ cho qua nhà nhau ngủ lại. Sáng nào cũng rủ nhau đi ăn sáng trước khi vào lớp. Chúng tôi thường ăn bún bà Tề, một quán bún nổi tiếng ở Tam Kỳ. Bao giờ cũng vậy, hễ gọi hai tô bún giò thì Đỉnh cũng được cục giò to hơn, nạc hơn, ngon hơn…, tôi đồ rằng sau này Đỉnh sẽ sướng hơn tôi. Mà thật vậy, Đỉnh vốn vô tư, cầu toàn, dễ thỏa mãn với cuộc sống, không muốn làm ai mất lòng, không đòi hỏi chi nhiều nên dẫu đời giáo viên cấp hai đạm bạc, hắn vẫn sống sướng, ung dung.
Hắn vẫn giữ phong cách của một con nhà trung lưu công chức thời trước 75. Luôn đĩnh đạc, chỉnh tề, không nói tục chửi thề, không to tiếng quát nạt.
Không đam mê bất cứ một ai, một món chơi nào! Rãnh rỗi thì tụ họp anh em gia đình chơi bài tứ sắc. Chiều chiều, tìm nhóm bạn nào đó lai rai, tửu lượng không nhiều nhưng chiều  nào cũng có!..







đường ra trường Nữ Trung Học một thời


Bây chừ hắn đã nghỉ dạy xin về hưu sớm, nhận một cục tiền,  hai vợ chồng vui vẻ ngày ngày giữ cháu ngoại, thần tượng thằng rễ giỏi giang, quí con dâu hiền lành, hài lòng với sui gia giàu có, bạn bè ai rủ đi nhậu thì đi, không thì ở nhà chăm cháu, lên internet tìm những mục hay hay, vui vui gởi tới bạn bè. Trong nhà thì ở trần quần đùi, ra đường thì áo bỏ trong quần, giày vớ cẩn thận, đầu chải láng mướt… ,sống như Đỉnh cũng hay, tà tà, ung dung, chẳng thấy vui buồn…
Thằng Chiến, thằng này xuất thân trong một gia đình buôn bán tạp hóa nhỏ nhưng nề nếp. Ông già hắn là người rất nghiêm mực. Tính ông thẳng thắn, khó tính với những đứa con nít hỗn hào vô lễ. Hồi nhỏ có lần ba tôi sai tôi xuống nhà hắn mua 3 đồng đường cát, tôi mãi chơi, khi sực nhớ, chạy xuống nhà hắn thở hổn hển. Dạ, bác bán cho con ba đồng Mười Ất. Mười Ất là tên cúng cơm của ông già hắn, ông cười thương yêu, tát nhẹ má tôi, 10 Ất cái tổ cha mi!
Gia đình hai bên chúng tôi chơi thân với nhau lắm, như bà con trong nhà. Chúng tôi có thể gọi là chung dòng sữa mẹ cũng đúng, vì khi tôi được sinh ra, má tôi bị băng huyết không có sữa, tôi phải uống ké bầu sữa mẹ thằng Chiến…
Chiến có mấy người anh rất tài hoa, học giỏi. Chiến cũng thế, hắn học ban B Anh văn và luôn dẫn đầu lớp. Chúng tôi thân nhưng ít chơi bời chung vì khác lớp và Chiến cũng ít nghịch ngợm. Chiến chơi guitare classic hay và đọc sách cũng nhiều. Không biết có phải thời không đến với Chiến hay cũng bởi vì là một phiến tài tình nên sinh ra thiên cổ lụy mà đời hắn cứ long đong….






Thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tàu, tốt nghiệp sư phạm toán, thạc sĩ công nghệ thông tin, chuyện trên trời dưới đất, kim cổ đông tây, thiên kinh vạn quyển đều thông mà làm chi cũng không thành. Hình như hắn mang tâm trạng của một văn nhân thất thời, một sĩ phu thất thế mà bất mãn cuộc đời, nên công việc không hanh thông…
Cuối cùng thì hắn neo cuộc mưu sinh vào việc dạy học và viết lách, dịch sách kinh nơi Sài thành hoa lệ cơm áo gạo tiền. Lên Yahoo mà gõ tên hắn thì cũng hiện lên rất nhiều đề mục cùng rất nhiều “fan” hâm mộ.
Thằng Nhơn, có biệt danh là Nhơn rặng vì hắn nói lắp, một câu đơn giản ê a mãi mới xong. Nhưng hắn giỏi là biết khuyết điểm của mình nên ngậm sỏi mà luyện giọng để rồi sau này trở thành một thầy giáo dạy sinh vật giỏi, nối tiếp truyền thống gia đình từ ông, cha đều dấn thân trong ngành giáo dục. Cha hắn trước 75 là trưởng ty tiểu học, tương đương trưởng phòng giáo dục và đào tạo bây giờ, ông nội hắn là thân hào nhân sĩ địa phương, đi đâu cũng khăn đóng áo dài. Tổng thống về cũng được ngồi hàng đầu ngạo nghễ…. 75 về, lý lịch quá xấu, đâu ai cho  dạy trong thành phố, phải nhận nhiệm sở ở mãi Đức Trọng, Lâm Đồng. Nơi này hồi đó khỉ ho cò gáy. Hắn khăn gói lên đường như kẻ giang hồ bỏ phố phiêu bạt núi non... Rồi hắn cũng ổn định cuộc đời. Lấy vợ, sinh con, làm ăn khấm khá, bỏ dạy từ lâu nhưng tác phong thì lúc nào cũng đàng hoàng đạo mạo, ra một thầy giáo làng  chứ không phải đại gia thuốc Tây nổi tiếng trong vùng!.






bệnh viện tỉnh Quảng Tín


Hồi tiểu học chúng tôi hay rủ nhau đi chọc chó nhà bà Sâm hộ sinh, đi bấm chuông nhà ông Tôn Thất Văn…, bây giờ gặp nhau hắn kêu tôi là thầy hoặc anh và gọi vợ tôi là cô. Bạn bè gặp nhau vui đến mấy cũng chỉ uống đúng một chai bia. Chuẩn mực đàng hoàng, nghiêm chỉnh.
Mà thằng này cũng kỳ. Nghỉ dạy đã lâu mà bây giờ lên Đức Trọng, đi với nó, người lớn trẻ con đều nghiêm chỉnh chào thầy. Có một lần từ Đà Lạt tôi đi taxi lên thăm hắn. Khi đến nhà, cậu taxi nói, trời tưởng chú tìm nhà ai chứ nhà thầy Nhơn thì chỉ cần nói tên là con chở tới liền, rồi đến nơi vòng tay chào thầy, xưng con ngọt xớt!
Thằng Quyền, hắn tên khai sinh là Bính, Nguyễn Bính, hồi đi học hắn khá giỏi văn, thỉnh thoảng cũng giành cái chemise môn văn của tôi, nhưng tôi không thích kiểu tả cảnh của hắn, bóng bảy, rườm rà và hơi sên sến…, sau 75 tự nhiên thấy hắn tên Quyền, Nguyễn Xuân Quyền, chắc là muốn được Quyền Bính chi đây! Thằng này cũng không thoát khỏi hoàn cảnh của đám bạn TK tôi sau 75, đó là đi dạy! Thời đổi đời đó, hắn với thằng Đỉnh bị đày xuống một trường miền biển xa lăng lắc, đêm đêm dưới ánh đèn dầu tù mù, hai thằng uống rượu kể chuyện ngày xưa, bá vai bá cổ khề khà nỗi lòng kẻ sĩ thất phu thất trách….
Thằng này cũng tội, vợ chết năm hắn mới 35 tuổi, vậy mà ở vậy dạy học lằng nhằng, làm ăn lằng nhằng rồi cũng nuôi được hai thằng con trai lớn tướng. Hắn hiền nhưng cộc  tính. Anh em hay gọi hắn là me xừ important vì cái tính quan trọng của hắn. Làm chi hắn cũng phải quan trọng. Đi nhậu cũng quan trọng, luôn tới trễ một chút để cho ra vẻ ta đây đâu ham ăn ham uống mà tới sớm. Nói năng thì ưa dùng chữ nghĩa khuôn sáo. Lúc mô cũng ra vẻ bận rộn dẫu đôi khi chẵng có việc chi làm…Mệt hắn lắm, nhưng anh em quen tính biết nết nhau, lấy thế làm vui!
Hắn thừa kế cha mẹ một căn nhà có vườn rộng với cây xanh mát mẻ, mà lại ở một mình, nên nhà hắn trở thành nơi trú ngụ lý tưởng của mấy thằng bị vợ la bồ bỏ, lỡ vận thất cơ, tụ họp om sòm, đàn ca sáo thổi nói bậy nói bạ, quên hết ưu phiền!!!
Thằng này tuy số mồ côi vợ sớm nhưng vậy lại hên. Nhiều chị em sồn sồn quan tâm để ý. Anh em đôi khi ganh tỵ, thèm thuồng!
Một lần đi công tác ngang qua TK gặp cơn lụt lớn, nước ngập thành phố, đập Phú Ninh tưởng như sắp vỡ, tôi phải tấp vào nhà nó nghỉ lại, nước lênh láng phía trước, phía sau. Nhìn vào chuồng gà thấy 7, 8 con mập ú. Vậy là yên tâm. Nước lụt rút, chúng tôi cũng vừa chơi xong khoảng chục lít rượu và đàn gà thằng Quyền sạch bách, không còn một con nào!
Thằng Đức lùn cũng học Pháp văn với tôi. Nhà hắn gần chùa Hòa An và là phật tử từ nhỏ. Hắn thấp người, tính tình hiền lành, ai nói chi cũng cười cười. Không thoát khỏi kiếp đi dạy. Hắn dạy tuốt Bình An Thăng Bình cách TK gần 30 cây số. Vợ cũng đi dạy học. Hai đứa đạm bạc an bình với cuộc sống không bon chen chi chác với đời. Bỗng tỉnh Quảng nam tách ra riêng, nhà nước qui hoạch lại đô thị Tam Kỳ, nhà hắn đất rộng thuộc diện giải tỏa, được đền bù một số tiền lớn, đủ xây một nhà lầu khang trang, còn dư đất làm vườn, lại được tọa lạc trên một con đường rộng, đẹp, sầm uất. Đám nhà mới, hắn mời đầy đủ anh em khoe tự nhiên mà sướng, bổng nhiên giàu!  Nhưng mà sao nhìn hắn vẫn khổ, tóc hói hết nửa đầu, da đen cháy, về già  lại hay bắt bẻ bạn bè. Không biết hắn có tâm sự chi não nề không?!?!
Thằng Xuân Lê. Mắt hắn nhìn hai phía nhưng cực kỳ tốt tính. Hắn là thầy giáo cấp ba hiếm hoi trong đám bạn đi dạy của chúng tôi. Xuân hiền lành, học hành chăm chỉ. Trước 75 hắn học ĐH Khoa học MPC Sài gòn với tôi, sau ra trường dạy ở Tam Kỳ từ đó đến nay. Hắn chẳng mất lòng ai. Sống đời chừng mực khiêm tốn. Thích hát bài nụ cười sơn cước. Đám cưới nào mà không cho hắn hát nụ cười sơn cước là cứ y như bị hắn nhăn nhó, chê bai!




"tuổi học trò thường buồn vu vơ, thức bao đêm làm thơ rồi đợi chờ..."
(hình minh họa)


Hắn rất ghiền bóng đá. Kết quả các giải túc cầu thế giới hắn rành còn hơn môn vật lý hắn phụ trách ở trường!. Hết ngoại hạng Anh. Đến La Liga, Hết Europa đến Champion League, nói về các đội bóng, hắn rành rọt lắm, lịch thi đấu hắn thuộc sạch trơn.
Bạn bè học khoa học ngày xưa  với hắn đa số đã vượt biên, làm ăn khá giả ở Mỹ, ở Canada, thương hắn, thỉnh thoảng hay gởi vài trăm (đô) tặng. Có đứa vô SG mà không về miền Trung được cũng mua vé mời hắn vô chơi. Được bạn bè qúi mến như thằng này cũng hiếm!
Thằng Lê Văn Tự học Đức Trí cũng đặc biệt. Thằng này hơi nặng tai nhưng làm thơ hay và thích ngâm thơ lắm. Bọn tôi mà gặp nhau, thế nào sau một vài chầu bia cũng là văn nghệ. Chúng tôi thường ca bài những đồi hoa sim, thơ Hữu Loan, bản Phạm Duy phổ. Tôi lĩnh xướng đoạn đầu, đến điệp khúc những đồi sim, những đồi sim.. thì anh em đồng ca, vỗ bàn gõ chén sôi nỗi ồn ào, rồi thì nhường lại cho Tự ngâm nàng có 3 người anh đi bộ đội, những em nàng có em chưa biết nói, khi tóc nàng xanh xanh… Tự ngâm hay lắm. Có khi cao hứng, hắn nhắm tít mắt, nước miếng tràn hai khóe mép, đọc tới lui cả bài hai ba lần làm “ban nhạc” chờ đến hết hơi!
Tự làm tổng đại lý vé số miền Trung nên có nhiều tiền mà bận lắm. Hắn phải ngồi lì ở “bàn làm việc” từ sáng đến chiều cho đến khi số các tỉnh thành miền Trung xổ rồi thì hắn mới đi nhậu được. Trong bạn bè hắn là thằng có tửu lượng khá nhất. Tội nghiệp, nhậu với ai, ở đâu, cũng móc điện thoại gọi tôi!




học sinh, hình minh họa

Ngoài tài làm thơ, hắn còn biệt tài nhớ số điện thoại. Hắn có thể đọc rành rọt số của từng thằng, từ số di động đến số công ty đến số cố định ở nhà, giống như thằng Xuân thuộc làu kết quả các trận túc cầu trên thế giới!
Thằng này muộn đường gia thất. Khuôn mặt hắn bụ bẫm, dễ thương, nên anh em hay gọi là Tự Babilac. Không biết vì sao mà hắn kén vợ quá chừng. Trẻ thì hắn chê nhỏ. Lớn tuổi thì hắn chê già. Sồn sồn thì hắn sợ không đẻ được cho hắn đứa con nối dõi! Lang bang mãi rồi thì hắn cũng gieo trái tim trong cuộc tình muộn với cô vợ trẻ trung ngoài 30 tuổi, xinh đẹp, lanh lẹ, thông minh với bài thơ tỏ tình rất tuyệt, xin trích mấy câu  “… Giơ tay ngắt nụ vô thường, anh nghe trời đất tụ dương ban đầu, chân trời góc bể lao đao, môi em cắn vỡ giọt sầu trong anh…”, nàng cắn vỡ giọt sầu rồi không biết sẽ cắn vỡ cái chi nữa không, nhưng nàng đã tặng cho Tự một thằng con trai kháu khỉnh, bụ bẫm. Con vừa thôi nôi thì bố cũng làm sinh nhật lần thứ 55!
Trong vườn hoa bè bạnTam Kỳ của tôi còn có một “kỳ hoa dị thảo” không thể không nhắc đến. Đó là Lê Văn Hoán. Thằng này người Thăng Bình, trung học mới vào TKỳ học với chúng tôi. Hắn rất tốt và là tổ sư nghịch ngợm. Thân hình không cao nhưng khỏe mạnh vạm vỡ. Thi vật tay trong lớp thì hắn với thằng Tăng Thượng Hóa người Kỳ Lý là nhất, không ai qua được.
Ở Thăng Bình trước 75 nhà hắn đình đám lắm vì anh trai hắn là là đại úy, chị hắn là người yêu thiếu tá quận trưởng, khét tiếng một vùng. Hắn thông minh sáng tạo, nhưng ít chịu học, ham chơi, nghĩ ra đủ trò chọc trời khuấy nước. Chuyện của hắn thì chắc phải dành riêng hẳn một bài, ở đây xin hầu quí vị một vài câu chuyện nhỏ của hắn mà thôi.
Hè 1970 (hồi đó chúng tôi mới học lớp 8, còn nhỏ lắm), tôi với thằng Tuấn (Bích) rủ về quê hắn bẻ mía, bắn chim chơi. Vùng quê TB thời ấy hoang sơ lắm. Hắn phát cho chúng tôi mỗi thằng một khẩu súng cạc bin không đạn còn hắn một khẩu với đạn dược đầy đủ. Nhìn hắn thao tác súng đạn vô cùng thiện nghệ. Ra sau vườn ngắm con chim đậu trên cây xoan hắn bắn cái đùng, con chim rớt chết tươi, chúng tôi rùng mình khiếp đảm!
Xong hắn bảo chơi trò duyệt binh. Tôi với thằng Tuấn đi hàng dọc phía trước, hắn đi sau hô một hai, một hai…chúng tôi bắt chước đi nhịp nhàng kiểu lính, bỗng nghe đoàng đoàng, cứt trâu, đất cát bên cạnh chân chúng tôi đi bay lên tan tác… khiếp quá chúng tôigiơ tay đầu hàng rồi quay về không dám chơi nữa, còn hắn thì cười hì hì, chê chúng tôi nhát cáy. Tội nghiệp, còn nhớ khuôn mặt thằng Tuấn lúc đó không còn giọt máu, trắng nhợt, không nói không rằng….Nhắc đến thằng Tuấn thì cũng phải kể luôn chuyên hắn nhảy lầu nhà thằng Tuấn, bắt Tuấn nuôi cơm, khiến Tuấn còn hận đến bây giờ.
Sau 1975, hắn ngao du sơn thủy, tóc tai dài ngoằng, đi đâu cũng chỉ độc một bộ đồ. Đến nhà thằng nào thì hắn mượn áo quần thay, tắm rửa và cởi bộ độc cánh ra giặt , ở chơi chờ áo quần khô thì lại mặc vào, cái quần rách lòi mông!
Hắn ra ĐN chơi nhà thằng Tuấn. Một chiều tối nhậu lai rai trên sân thượng tầng 2, nhìn xuống thấy có đống cát ai đổ trước nhà, hắn nổi hứng bảo tau nhảy xuống chơi hỉ. Tuấn chưa kịp ngăn, hắn đã nhảy cái rầm. Tầng cao khoảng hơn 10m, cái chân hắn bị trật sơ mi sưng vù, anh em thằng Tuấn sợ quá, phải dấu hắn trong phòng riêng, ngày ngày cơm nước, thuốc men, hơn ba tuần sau chân hắn mới lành. Nhắc lại chuyện cũ, thằng Tuấn giờ còn sợ, còn ấm ức. Gặp nhau, bảo gọi điện rủ Hoán nhậu cho vui hỉ, cái mặt Tuấn tái mét. Thôi ông có thương hắn thì ngồi với hắn đi, tôi về, tôi về,…tội nghiệp!




hình bìa Đặc San cựu hs Trần Cao Vân
(1955-1975)


Thằng ni có cái tính thích nhảy độ cao. Hồi học trung học, lớp 10, chúng tôi đi chơi Hè ở Bàn Than Kỳ Hà, một địa điểm rất đẹp, đỉnh hòn Bàn Than cao chừng 100m. Mấy thằng nghịch ngợm chúng tôi trèo lên đỉnh. Gió vù vù chóng mặt, đá tai mèo cắt rách bàn chân, cỏ lông chông nhọn hoắt. Chúng tôi rủ nhau bò xuống. Bổng Hoán chỉ xuống khoảng biển dưới chân hòn, mà trên cao nhìn xuống như một cái thuyền thúng. Hắn bảo tau nhảy nghe. Tôi la không được, nguy hiểm lắm. Hắn cười hì hì, gồng mình như Lý Tiểu Long,  hét to một tiếng, đứng thẳng người, nhảy! Tôi khiếp quá, nhìn hắn rơi tự do, thấy hắn cố cong cái lưng như sợ va vào đá. Rồi thì cái tủm. Hắn rớt vào đúng chổ “thuyền thúng”. Trời đất, tim tôi muốn thót ra, một lát thấy hắn ngóc đầu lên cười toe toét, tôi thật sự muốn đấm hắn một cái, ghê quá, không biết nếu hắn mệnh hệ nào thì chúng tôi sẽ ra sao!
Thằng này rất có hoa tay, vẽ sơn dầu đẹp, làm cái gì cũng khéo, rất thích câu cá và đào dế. Hắn đào dế giỏi lắm và làm mồi dế nhậu nhức răng!
Bây giờ hắn về lại Thăng Bình, bán nhà cho nhà nước mở đường, về vườn cha mẹ, xây một villa to đùng, có cây cầu bước qua, có hồ cá trước sân, chỉ thiếu cái bể bơi, để thờ cúng ông bà, thi thoảng đón bạn bè ghé lại nhậu chơi!
Trước 1975, chúng tôi trường nào chơi trường nấy. Sau này thấy bạn bè heo hắt quá nên cứ cùng độ lớp là chơi, không phân biệt, nên tôi có nhiều bạn hơn như thằng Thanh PTGĐ hàng không VN, thằng Đông TGĐ xây dựng QN, thằng Long Thanh Châu, thằng Minh Bán, thằng Hưng răng nha sĩ, thằng Hùng,  thằng Chánh, thằng Lưu, thằng Lã Văn Cường nhạc sĩ v.v…
Mấy năm trước, để có thể giữ gìn mối bè bạn xưa, anh em rủ nhau tổ chức họp lớp (mở rộng) hàng năm. Đông vui lắm. Nhiều thằng già như chú bác, có thằng làm công an, cán bộ kiểm lâm, chủ nhiệm hợp tác xã... Gặp nhau chẳng biết tên tuổi thằng nào, cứ bảo nhớ rồi, nhớ rồi, mà chẳng biết là ai. Mình có tật gặp bạn bè thì không giữ ý, cứ uống ào ào, nói năng om sòm, chửi thề tục tĩu. Một bữa, có thằng mình không nhớ tên nhớ lớp, có vẻ cán bộ, công an thôn xã gì đó, đứng lên chỉ mặt. Tôi đề nghị đồng chí ăn nói nghiêm túc. Ở đây nhiều quần chúng, đồng chí phải làm gương. Tôi sợ quá, xin nộp tiền qũy lớp rồi chuồn thẳng. Sau đó lớp cũng buồn bỏ hẳn sự họp hằng năm! 



bông hồng cho tình bạn

Nhóm bạn Tam Kỳ của tôi không chỉ nhậu nhẹt tếu táo, mà cũng làm được một số việc có ích như thành lập quỹ những người bạn TK, giúp các cháu học sinh TK nghèo, hạnh kiểm tốt, ham học, một học bổng thường niên. Quỹ qui tụ được nhiều anh em đóng góp với số tiền khá lớn, giúp đỡ được  hàng chục em của 6 trường trung học TK, hoạt động được 5 năm đến năm 2012 này thì chấm dứt do mạnh thường quân làm ăn khó khăn, bạn bè ly tán…
Tôi còn có một thằng bạn chí cốt nữa. Thằng này chơi với tôi từ lúc mới sinh ra và sẽ cho đến khi tôi nằm xuống. Hắn nghịch ngợm từ nhỏ. Nói năng ồn ào. Ngang ngạnh giữa đời. Bạn bè thương ít ghét nhiều.
Tôi không muốn viết về hắn mà định nhờ anh em TK, khi nào có dịp mời học giả Huỳnh Ngọc Chiến về quê uống rượu, tụ tập bạn bè kể hết tật xấu của hắn, để Chiến viết về chân dung hắn. Chiến có tài viết văn sâu xa, tầm chương trích cú, chắc là viết hay. Để anh em đọc mà chửi hắn cho vui, cho đáng đời!
Đó là thằng Nguyễn Quang Chơn!




Nguyễn Quang Chơn, cựu hs Trần Cao Vân, Tam Kỳ


Nguyễn Quang Chơn