Trường Trần Cao Vân Hành Khúc

Trường Trần Cao Vân Hành Khúc

Thursday, November 22, 2012

TÔI ĐẾM CÁT SA MẠC TÔI

tùy theo ngọn bút

Lưu Vỹ Bửu


Đó là buổi sáng trời đầy sương. Ngồi ở quán cà phê nằm cạnh dòng sông Tam Kỳ, nhìn sương khói giăng đầy trên mặt nước, lòng cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ. Mấy chiếc thuyền con xuôi theo dòng lặng lờ, buồn tẻ. Dường như cuộc sống bỗng trở nên nặng nề, lười biếng chuyển động. Mọi thứ, mọi vật trong mắt tôi, kể cả ly cà phê đen sánh trước mặt, đều ngưng đọng. Gió không thổi, tiếng chim nín lặng, cà phê ngừng ngát hương. Và tôi, xoay trở khó khăn trong không gian chật chội và bí hiểm đó. Tôi cố gắng vùng vẫy, thoát ra nhưng tôi nghe một luồng chân khí chạy dọc theo xương sống, đến tận xương cụt mình, rồi nhói lên, tê buốt khiến tôi muốn nằm dài, đúng hơn là nửa ngồi nửa nằm, trên chiếc salon trong quán cà phê.
Trong khi đó trí óc tôi dường như rỗng không. Tôi tin là ai cũng đã từng có cảm giác giống như tôi bây giờ. Đó là một khoảnh khắc vô hình, vô âm, vô màu sắc. Nó vừa bức bối vừa thích thú. Những cảm xúc vừa như muốn đay nghiến tôi lại vừa như muốn vỗ về tôi. Trong khoảnh khắc dày vò ấy, tôi thấy mình như bơi ngược dòng nước. Sông Tam Kỳ chảy xuôi chậm rải còn tôi thì bơi ngược lại, tất nhiên càng chậm chạp và đầy nhọc nhằn. Tôi muốn dừng nhưng không thể dừng được, cơ hồ có ai đó đang quay tôi về với quá khứ, với những kỷ niệm, mặc cho tôi giãy giụa, muốn trốn chạy.
Cách chỗ tôi ngồi đây chừng vài trăm mét đường chim bay, xuôi về phía hạ lưu, là ngôi trường tiểu học Vân Côi. Tôi không nhớ bảng tên trường hồi trước treo ở đâu nhưng chắc chắn là không có ở cổng. Đơn giản là khi bắt đầu đi học, tôi không thấy cổng trường. Muốn đến lớp, thông thường chúng tôi vào cổng nhà thờ, đi qua hai hang đá trước sân nhà thờ rồi băng qua khu nhà dành cho các linh mục, tu sĩ để vào trường. Tôi gửi một đoạn đời dài 4 năm của mình tại đây, từ lớp vỡ lòng đến lớp Nhất, quãng đời non tơ và trong trẻo của một con người.
Hồi đó, tôi không được mẹ “dẫn tôi đi trên con trên con đường...” như Thanh Tịnh viết trong cuốn Quê Mẹ. Buổi đến trường đầu tiên của tôi (lạy trời cho trí nhớ tôi chưa bị bụi bặm che mờ) là đi cùng hai chị. Chiếc quần sort màu xanh, chiếc áo sơ mi trắng ngắn tay và trên tay là những cây kẹo mè, kẹo ú mua tại tiệm tạp hóa của bà Quờn. Mấy năm học ở trường tiểu học Vân Côi giữ của tôi biết bao nhiêu kỷ niệm. Kỷ niệm về bạn bè, về các soeur luôn là những kỷ niệm đẹp. Đẹp nhưng bây giờ lại buồn. Buồn không phải các soeur hay bạn cũ đã lưu lạc tứ phương hay đã là người thiên cổ. Sinh tử là lẽ thường! Tôi nghĩ vậy và từ khi ba mẹ và em tôi qua đời, suy nghĩ đó trở nên hiện thực hơn. Nó không còn là nỗi ám ảnh sợ hãi mà chỉ là sự mất mát biết trước nhưng không tránh được. Tôi thấy buồn chính là sự mất mát ấy, mỗi ngày một ít trong trí nhớ hữu hạn của mình.



đường phường 1, Tam Kỳ

Trong những đêm mất ngủ, tôi trằn trọc với nỗi cô đơn khủng khiếp mà tôi phải đối diện. Nó như sâu bọ đục khoét, gậm nhấm từng chút, từng chút một cơ thể tôi. Một mình giữa hoang mạc hay giữa trùng khơi là nỗi cô đơn của kẻ độc hành. Còn giữa đám đông lố nhố, giữa những khuôn mặt người xinh đẹp có, xấu xí có nhưng tất cả bỗng dưng trở nên lạnh lẽo, tẻ nhạt, vô cảm thì đó là nỗi cô đơn của người đi tìm cuộc sống; đi tìm giá trị của thực của một con người. Đó là nỗi cô đơn của Chúa giữa đám con chiên của mình.
Ngôi trường Vân Côi ấy sẽ còn mãi trong ký ức tôi, mặc dù mỗi ngày, nó bị bào mòn một ít. Tôi có niềm tin mãnh liệt về sự tồn tại của nó bởi, đơn giản đó là nơi tôi vỡ lòng không chỉ là những mẫu tự, những bài học về tình thương, về làm người. Khi chúng ta từng trải, khi chúng ta bị cuộc đời giáng trả những ê chề thì thuở ấu thơ sẽ là những giọt cam lồ giúp chúng ta gột sạch ô uế, trở nên trong trẻo và quên hết những đắng cay. Ấu thơ, dù của bất kỳ cảnh sống nào cũng mang trong lòng nó những đôi cánh thiên thần, có thể không được trắng muốt – với người này người kia, nhưng mỗi khi nhớ lại, đối diện với nó, bất kỳ ai cũng thấy mình trở nên thuần hậu hơn, hồn nhiên hơn. Đó là ân sũng của cuộc đời dành cho mỗi phận người. Vì lẽ ấy mà mỗi khi thấm mệt trên đường đời là tôi lại tìm về với quá vãng. Tôi tìm thấy trong những tháng năm xa xưa ấy những bình yên, những giấc mơ rất nhiều vụng dại, ngây ngô nhưng tuyệt diệu thay, chúng như những viên tiên đan giúp tôi tiêu trừ mỏi mệt, tiêu trừ đố kỵ, nhỏ nhen và cả hận thù...
Sân trường tôi học thuở nhỏ không rộng lắm và cũng chẳng có bóng cây nào làm râm mát giờ ra chơi, ngoài hàng phượng đầy bông đỏ nằm sát hàng rào và dọc theo bờ sông. Bù lại, trước khu nhà chung, cách sân trường một hàng rào tạm bợ là một khoảng sân được che mát bởi những gốc nhãn, gốc vú sữa già nua. Chúng tôi gieo niềm vui vào tương lai ở đây bằng những trò chơi mà lũ trẻ bây giờ chẳng hề biết, chẳng hề chơi. Những trò chơi đơn giản đến mức không thể gọi là trò chơi mà cứ hút lấy chúng tôi mỗi khi tiếng trống ra chơi vang lên một cách hứng khởi. Vì là đứa nhỏ nhất lớp nên trong các trò chơi đòi hỏi sức mạnh tôi luôn là người thua cuộc, kể cả khi chơi chung với các bạn nữ trong lớp. Bù lại, những trò chơi như bắn bi, đánh đáo tôi lại hay thắng cuộc nhưng hồi đó, các trò chơi dính dáng đến tiền bạc, thua thắng thì bị các soeur nghiêm cấm. Sau này, tôi ngẫm nghĩ và nhận ra rằng, số phận tôi đã được định đoạt từ khi ấy: Tôi không có cơ hội thể hiện sở trường của mình và suốt cuộc trường chinh kiếm sống, tôi luôn phải sử dụng sở đoản để có thể tồn tại trên cõi đời này. Bạn bè thân thiết và những người thân yêu của tôi thì gọi tên nó một cách dễ hiểu là thiếu may mắn. Tôi lại nghĩ, đó chẳng qua là sự an ủi. Một sự an ủi thô lậu và ấu trĩ khiến tôi thấy ngán ngẩm, thấy bị xúc phạm hơn là tìm thấy sự chia sẻ, cảm thông. Nghĩ vậy nhưng chưa một lần tôi nói ra, không vì ngại làm phật lòng mà tôi sợ làm ô nhiễm cái thiên lương con người. Tôi vẫn quen tin rằng, bất kỳ ai cũng có một đốm lửa trong tâm hồn. Đốm lửa đó là tính thiện nhân, là sự say mê cống hiến, là niềm yêu thương cuộc sống. Và trách nhiệm của nhân sinh là làm sao để đốm lửa ấy luôn cháy bỏng, ngày một lớn lên để bản thân họ và những người chung quanh làm nên điều diệu kỳ: cho cuộc sống nảy nở những niềm vui, bớt đi những mảng màu xám, xóa đi những điều dối trá, hung tàn.
Bên cạnh trường là dòng sông Tam Kỳ. Tôi đang ngụp lặn thỏa thuê trong đó, sau khi mệt nhoài bơi ngược về quá khứ. Ngày trước, tôi từng trốn mẹ tôi, trốn các soeur theo bạn bè xuống sông tắm. Tất nhiên, tôi từng bị những trận đòn đau thấu xương nhưng khi những lằn roi trên mông lặn đi, sự đau đớn của đòn roi không còn nữa là tôi lại quên mất lời hứa với mẹ tôi, với các soeur, tiếp tục theo đám bạn lớn tuổi hơn xuống vùng vẫy trong dòng nước xanh trong, mát rượi ấy. Tôi cũng từng thắc mắc là tại sao tắm sông thú vị đến vậy mà mẹ tôi, các soeur ngăn cấm? Hồi đó, tôi đâu hiểu rằng, tôi là đứa con trai cầu tự của ba mẹ tôi, là đứa cháu nội có thể là cháu đích tôn của ông bà nội tôi, dù ba tôi thứ 8 trong một gia đình có đến 11 người con. Tuổi thơ nào không thích tắm sông? Nếu không có dòng sông nào chảy qua nơi tuổi thơ sinh sống thì đành phải lấy hồ bơi, lấy giếng nước làm niềm vui. Còn ở cạnh một con sông quá nên thơ, sao cưỡng được sự hấp dẫn của nó!
Nhưng, con sông đâu phải chỉ để vui đùa, hơn là để tắm theo nghĩa của từ này? Nó như một chứng nhân, làm kỷ niệm, làm nơi để nghĩ về khi một lúc nào đó, con người bỗng thấy sa mạc nổi lên trong lòng mình; thấy bão cát đang xoay vần, làm khô hạn tâm hồn mình. Dòng sông lúc này trở thành sự cứu rỗi, như cơn mưa rào trút xuống cánh đồng nứt nẻ. Những lần mắt cay xè, những cơn ho vì sặc nước và cả những trận đòn vì tắm sông... tất cả bây giờ hồi sinh tôi, thoát thai tôi, đủ sức mạnh biến gã đàn ông bị cuộc đời quất cho tơi tả thành một trẻ thơ hồn nhiên, thuần khiết. Hãy một lần đứng lặng trên dòng sông đã từng gắn bó, nhìn dòng nước bình thản trôi, tựa như mọi hệ lụy trần gian chẳng vướng bận đến. Nước cứ trôi, cuốn đi mọi điều: lá khô rơi rụng, rác rưởi tanh hôi (vả cả những thị phi) một cách ung dung, tư tại mới hay rằng, sự thanh thản quý giá biết bao. Vậy mà, ai cũng phải tiêu hủy mấy mươi năm trong cuộc đời ngắn ngủi của mình vào những điều vô bổ, phiền muộn.





dòng sông Tam Kỳ


Tuổi thơ tôi thật quá êm đềm, cho dù thỉnh thoảng, từ phòng học của mình, tôi nhặt được những vỏ đạn đồng. Đó là dấu tích của một cuộc chạm súng xảy ra trong đêm trước. Một chút lo sợ thoáng qua vì nó không đủ khiến tôi quên sân trường, quên những bồn hoa mười giờ nở tím đỏ trước văn phòng. Bây giờ ngồi đây, cách kỷ niệm không đầy một sát na, cách kỷ vật vài trăm thước, cơ hồ tôi đang nắm lấy viên phấn trắng, nắn nót viết lên bảng câu cách ngôn hàng tuần mà soeur Anna, soeur Denis hay bà Nhất, hiệu trưởng yêu cầu. Phấn đã bay theo gió. Bảng đen đã thành tro bụi. Nhưng, những câu cách ngôn ấy đã ỡ mãi trong tâm khảm tôi, theo tôi suốt cuộc hành trình trên cõi đời để những khi yếu mềm, tôi lấy đó làm chỗ tựa mà vững bước. Ngôi trường ấy, tôi yêu biết bao và để lại cho tôi những điều mà mãi mãi tôi không thể nào quên...
Người đời vẫn quen gọi những cái đã qua là thuộc về ký ức. Nghĩa là những chuyện chỉ có thể hoài niệm, để tưởng tiếc và để bổ sung vào những thiếu sót ai cũng có trong cuộc làm người. Tôi cũng nghĩ vậy! Và hơn thế nữa, tôi được quá khứ nuôi dưỡng thật kỹ càng, giống như bà mẹ chăm bẵm con mọn vậy. Ở đâu, làm việc gì tôi cũng thấy kỷ niệm hiển hiện, nối niêu hiện tại. Hoặc, nhiều khi hiện tại lại dắt tôi về với quá khứ. Hoặc nó đan xen vào nhau đến độ tôi không nhận ra đâu là cái đã qua, đâu là cái trước mắt. Dòng sông Tam Kỳ theo tôi một cách tự nhiên, trở thành vật thiêng, giống như những bảo vật khác. Nó chẳng khác gì một thứ bùa hộ mạng hay bùa mê để tôi luôn yêu vì, luôn nương tựa vào. Sau này, khi lớn lên, tôi hiểu sâu sắc rằng, tình yêu quê hương, yêu đất nước luôn phải xuất phát từ một điều gì đó cụ thể, nhỏ bé nhất từ thời ấu thơ.
Chính vì thế, khi có dịp ngắm dòng sông Cửu Long bao la, tôi nhớ về con sông nhỏ bé hiền hòa của quê mình, để tự dưng đem lòng yêu mến vùng đất miền Tây Nam bộ phóng khoáng, màu mỡ và đầy nghĩa hiệp này. Cũng do đứng giữa sông Tiền, sông Hậu, nghe tiếng vọng cổ trôi bàng bạc trên dòng nước mênh mông, tôi nhớ lại những bài học sử địa từ tiểu học đến thời trung học. Nếu hồi lớp ba, lớp nhì các soeur dạy chúng tôi rằng: Bắc bộ có hai con sông lớn là Hồng Hà, Thái Bình; Nam bộ cũng có hai con sông lớn là Cửu Long và Đồng Nai. Môn địa lý bậc tiểu học hồi đó không nhắc đến sông Tam Kỳ - ngay cả địa lý tự nhiên của Quảng Nam – cũng chẳng thấy dù chỉ một vài dòng. Đơn giản là sông Tam Kỳ quá nhỏ bé, nhìn trên bản đồ chỉ thấy một sợi chỉ mỏng manh mà người vẽ lười biếng đưa một nét chì xanh uể oải để minh họa. Ở bậc trung học, chúng tôi may mắn được học môn Sử Địa với thầy Vũ Huấn, một người thầy tuyệt vời bậc nhất của trường Trung học Trần Cao Vân, từ thời tôi học cho đến tận bây giờ. Thầy không chỉ dạy cho chúng tôi biết sông Cửu Long chảy ra biển bằng 9 cửa mà qua bài giảng của thầy, tôi có thể hình dung ra những giọt mồ hôi và cả máu đã đổ xuống miền đất khẩn hoang của cư dân ngũ Quảng. Tôi còn nhớ, khi ấy ngồi trên ghế nhà trường tại Tam Kỳ nhưng tôi hình dung ra những bước chân khai phá nặng nề, khỏe khoắn nhưng cũng đầy nhọc nhằn của những người dân nghèo phải chấp nhận tha phương cầu thực. Họ cần cù, lặng lẽ cam chịu nhưng trong lòng tràn đầy ước mơ về cuộc đổi đời. Chính thầy Huấn đã khai phá tâm hồn tôi (như những người dân đang khai phá đất mới - cày ải và gieo lên đó những mùa vui), giúp tôi yêu thêm về những chân trời xa lạ của đất nước mình mà chúng tôi chỉ biết tên qua những bài học.
Cảm giác đầu tiên khi đứng bên dòng sông Tiền là sự choáng ngợp. Nếu con sông Tam Kỳ nước xanh trong vắt thì sông Tiền, sông Hậu lại đục ngầu phù sa. Người ta nói, Cửu Long mang phù sa bồi đắp cho phương Nam mỡ màng, làm trù phú cho miền đất mới nhằm mở mang bờ cõi. Quả thật, trên đất nước ta, không vùng đất nào tốt tươi, sinh sôi nảy nở và mang lại sự giàu có bằng đồng bằng sông Cửu Long. Tuy vậy, sau này, có dịp đi sâu hơn vào các vùng xa, tôi mới nhận ra một sự thật cay đắng ngỡ ngàng: đất đai ở đây cũng chỉ làm giàu cho những người có tiền của, chức tước, quyền hành. Nhiều căn nhà xiêu vẹo, tạm bợ đến độ không thể gọi là nhà khiến ai cũng nao lòng. Không ít người dân áo quần bệt dính bùn đen, quần quật trên cánh đồng đầy phèn, mong sống được qua ngày nào mừng ngày đó. Thế nhưng, tôi vẫn bắt gặp bên trong sự cam chịu, nhẫn nhục của họ một điều thật kỳ diệu: sức mạnh và sự lạc quan đến khôi hài. Họ nghèo túng nhưng không lấy đó làm ám ảnh. Họ đối đãi với khách không quen biết bằng tấm lòng Lục Vân Tiên, sẵn sàng vét hết những gì có được trong nhà để tiếp khách, chẳng chút lưỡng lự, phân vân.



tháp chàm Khương Mỹ

Cảm giác ấy cũng diễn ra với tôi khi ở sông Hậu hay có lần đi qua U Minh Hạ, đứng bên dòng sông Trẹm để rồi lẩn thẩn, tự hỏi: Sao quê mình nghèo quá vậy? Những con sông xanh trong chỉ vì không mang phù sa về với đồng ruộng. Nó đẹp nhưng nghèo. Nó có mặt trong thơ văn nhưng không giúp nhiều cho bữa ăn của người dân, không giúp họ cơ hội đổi đời. Phải vậy chăng mà người dân miền Trung luôn khao khát học tập, sẵn sàng hy sinh tất cả cho con cái được học tập vì đó là lối thoát gần như duy nhất để gia đình họ, con cái họ có thể thay đổi cảnh đời! Có phải, trong sạch thì nghèo như con sông kia nước trong vắt thì có đâu phù sa, có đâu tôm cá? Nhưng, dẫu có mang nặng phù sa thì cũng không phải ai cũng có thể nhờ cậy. Muôn đời, số phận những người bán mặt cho đất vẫn cứ thua thiệt, nhất là trong một xã hội mà thước đo nhân phẩm, tư cách con người được tính bằng tiền, bằng những hư danh, phù vân. Tôi nói điều đó với người bạn, khi đứng nhìn sông Vàm Cỏ đang thời nước lớn, mấp mé đường vào thị xã Tây Ninh. Ở một góc nào đó, con sông thật vô tình. Biết bao yêu thương, mong nhớ con người gửi vào nó, vậy mà nó mặc nhiên, cứ lầm lũi trôi. Thậm chí, mang cả lục bình giăng khắp mặt nước tạo nên ao tù nước đọng cứ như muốn giam hãm con người vào chốn khốn cùng, bế tắc.
Vậy mà khi đối diện với những con sông ở phía Bắc, tôi lại có cảm giác khác. Một cảm xúc vừa lãng mạn vừa bi tráng cứ dào dạt mãi. Một lần lang thang trên bờ sông Đuống, câu thơ của Hoàng Cầm đọc từ những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, cứ duềnh lên chuếnh choáng: “Em ơi, buồn làm chi. Anh sẽ đưa em về bên kia sông Đuống...”. Tôi chẳng có cô em nào để dỗ dành. Tôi chỉ dỗ dành tôi thôi: Tôi ơi, buồn làm chi! Cũng chẳng có ai hứa đưa tôi về sông Đuống (hay bất kỳ con sông nào khác, kể cả con sông Tam Kỳ yêu dấu) nhưng tôi vẫn cứ ngóng mong, vẫn cứ tha thiết có một ai đó, đứng cùng tôi, đi cùng tôi khắp trời đất này. Một lần dừng chân ở Lào Cai, nghe câu hát “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”, hay hôm ở Hà Giang rồi Tuyên Quang theo dấu sông Lô hoặc khi về thăm Kiếp Bạc, qua Lục Đầu Giang, nơi gặp nhau của sông Thương, sông Cầu, sông Đuống, sông Kinh Thầy, Lục Nam và sông Thái Bình tôi vốn đã bềnh bồng lại càng say bồng bềnh với những cung bậc của trái tim nhiều hơn tâm trạng sảng khoái của một người ngao du sơn thủy. Tôi không lý giải được và cũng xin đừng bắt tôi phải giải thích tại sao như vậy! Cảm xúc tự nhiên đến, tự nhiên đi như một điều giản dị, một điều phải vậy!
Có gì khác nhau giữa con sông Hồng ở Lào Cai với dòng sông Nho Quế ở Hà Giang? Sông Bạch Đằng khác gì sông Thương, sông Cầu? Không có gì khác nhau về bản chất, về cấu tạo. Nhưng nó lại khác nhau về ý niệm con người, về bao điều nó lưu giữ, chất chứa trong dòng chảy. Đừng nghĩ, nước trôi đi không bao giờ trở lại! Đừng nghĩ, “sóng Trường Giang lớp sau đè lớp trước”! Dòng sông nào cũng có một phần hồn, một phần đời sống riêng mà chính cái riêng đó mới bất tử. Nước thì trôi nhưng hồn nước thì cứ ở mãi với con người...
Năm 1974, tôi nổi máu phiêu lưu ký, một mình bám theo xe quân sự, từ Huế ra tận sông Thạch Hãn, Quảng Trị. Trên đường đi bị đuổi trở về nhiều lần nhưng tôi quyết chí không bỏ cuộc, dù sau đó, chỉ đứng nhìn từ xa, vì chiến sự đang lúc căng thẳng. Sông Thạch Hãn và đặc biệt sông Bến Hải lại gợi cho tôi sự tò mò. Sự ngăn cách nào, về địa lý hay về tình cảm, bao giờ cũng gợi lên những câu hỏi. Tôi muốn biết rõ ràng: “Sao em phải xa anh? Sao chúng ta phải xa nhau?” như muốn dòng sông trả lời cho các câu hỏi của mình, rằng: “Khi xuôi về biển, sông mang gì theo? Có chở nặng nỗi đau của một người làm chứng nhân chia cắt không?”. Tôi tự biết mình lẩn thẩn như đã từng lẩn thẩn trong những buổi chiều, bỏ học lang thang trên đường Lê Lợi, qua lại cầu Tràng Tiền, ngắm nhìn các cô học trò Đồng Khánh tan trường, xuống đò, qua sông hay thả theo hàng cây muối trên bờ sông Hương.
Tôi may mắn được đi gần như khắp đất nước. Tôi được dịp ngắm nhìn những con sông được lịch sử ghi danh và cả những sông suối chẳng ai biết tên. Tất cả tạo nên một diện mạo tổ quốc. Tôi tin rằng, những con sông “vô danh tiểu tốt” đã góp phần chẳng kém gì các con sông danh tiếng lẫy lừng trong hành trình vẽ nên bản đồ Việt Nam. Thậm chí, tôi tin rằng, nếu không có những dòng sông nhỏ bé như Tam Kỳ chẳng hạn, thì chắc gì đã có được một cơ đồ hôm nay. Mỗi huân, huy chương gắn trên ngực người còn sống hôm nay, có rất nhiều mồ hôi, xương máu của những người vô danh. Khi mỗi mái nhà, đêm đêm vẫn còn người trằn trọc với nỗi hoài mong đoàn viên thì dòng sông nào trên dãy đất này cuồn cuộn hay lặng lờ chảy ra biển cũng mang theo nỗi khắc khoải, chia sẻ cùng người.
Tôi yêu những dòng sông có lẽ là do tôi yêu quý ngôi trường tiểu học nằm bên dòng sông Tam Kỳ. Nghĩ cũng lạ, con sông ngắn ngủn, chẳng có gì đẹp mắt, ngoại trừ phía hạ lưu, có một đoạn sông ôm quanh khu rừng Cừa, nước trong veo, nhìn thấy cả lớp sỏi lấp lánh màu sắc, khá nên thơ lại bắt cả hồn tôi tương tư. Mỗi lần đoạn đời ấu thơ níu tôi quay về, tôi lại thấy mình nhỏ bé và cô đơn giữa sân trường tiểu học. Tôi nhớ tới Kim Dâng, Quế, Lược, Chút; tôi nhớ Tri, Phò, Do, Thượng, Dần, Bồn, Dân,... mỗi gương mặt lướt qua chậm rải kéo theo một chuỗi hình ảnh lung linh như những vì sao nhấp nháy trên cao. Nhưng, mãi mãi theo tôi kể cả sau này là hình ảnh Chi, cô bạn học cùng lớp, hiền lành và luôn nhường nhịn tôi. Một lần chơi trò “giữ cột”, tôi và Chi níu nhau tranh cột, vô tình tôi làm sút tung hàng nút bấm trên áo Chi. Trong phút giây sững sờ đó, tôi phát hiện ra một bí mật: thì ra ngực con trai khác với ngực con gái. Chi lúng túng và luýnh quýnh cài lại hàng nút. Còn tôi cứ ngây người nhìn hai tay Chi cuống cuồng kéo vạt áo này che vạt áo kia. Tôi như người mất hồn, đưa mắt nhìn lên bầu trời trong xanh, không biết và không dám nói điều gì với Chi, dù một lời hối lỗi.




tranh Hồ Hữu Thủ


Khi mọi chuyện đã bình thường, tôi tự nhủ, sẽ tìm cách xin lỗi Chi. Thế nhưng, mùa hè đến, chúng tôi tập trung cho kỳ thi Tiểu học rồi tôi thi đậu vào trường Trung học Trần Cao Vân. Sau đó, chúng tôi mỗi người một ngã. Năm đó, tôi mười một tuổi. Còn Chi, nghe nói theo gia đình vào Nha Trang. Chúng tôi bặt tin nhau và vì còn quá nhỏ, chúng tôi không biết tìm cách liên lạc. Mãi cho đến vài năm sau, tình cờ gặp lại mấy bạn học cũ, tôi được tin Chi không còn nữa, sau một cơn bệnh nặng. Chiều hôm đó, tôi vào hang đá đức Mẹ trước nhà thờ, xin lỗi và cầu nguyện cho Chi.
Thế rồi, tôi từ giã ngôi trường Vân Côi. Biền biệt đến vài mươi năm...  
...
Lưu Vỹ Bửu
(cựu học sinh TCV)

Sunday, November 18, 2012

Thư Tâm Tình



Thư Tâm Tình
của


BAN TỔ CHỨC HỌP MẶT
CHS TRẦN CAO VÂN TAM KỲ VÀ NỮ TRUNG HỌC
QUẢNG TÍN (trước 1975)
Ngày 06 tháng 07 năm 2013, tại SAN JOSE,
CALIFORNIA, USA

Kính gửi:  
- Quý thầy cô cựu Giáo sư Trần Cao Vân và Nữ Trung Học Quảng Tín
- Quý anh chị cựu học sinh Trần Cao Vân, Tam Kỳ và Nữ Trung Học Quảng Tín.        

Kính thưa quý thầy cô và quý anh chị!

Sau khi phổ biến Thông Báo Mời Họp Mặt của Ban Tổ Chức, chúng tôi vô cùng hân hoan đón nhận được sự đáp ứng, góp ý và  khích lệ từ các thầy cô và các bạn hữu từ khắp các tiểu bang trong nước Mỹ, Châu Âu, Châu Úc và Việt Nam.

Một trong các sự đóng góp quý báu nhất là sáng tác mới Trần Cao Vân hành khúc của bạn Tôn Thất Minh gửi về từ Seatle, Washington, nơi gia đình bạn đang ở. Nhạc khúc có nội dung gồm hai phần: Phần gợi lại kỷ niệm trường xưa và một phần với nội dung vui mừng của ngày hội ngộ. Ca khúc này chúng tôi đang nhờ anh Lương Quang Bình cho thâu âm tại Texas và sẽ phổ biến trên mạng đến các bạn qua Web: banvannghe.com của Trần Yên Hoà, truongxuabancu.blogspot.com và quangdabaccali.blogspot.com của Mạc Phuơng Đình (Lê Tuấn Ngộ). Quý vị và các bạn có thể bấm vào các web site nói trên để xem khi chúng tôi upload trong tương lai rất gần đây.

Quý thầy cô và các bạn CHS/TCV và Nữ Trung Học/Quảng Tín cũng có thể dùng địa chỉ email: cuuhstrancaovan@yahoogroups.com để liên lạc, sử dụng chung cho cả hai trường, để cùng nhau chia sẻ tin tức trên mọi lĩnh vực và thường xuyên theo dõi diễn tiến hoạt động của chúng tôi. 

Chúng tôi cũng đã nhận được một số Hồi Báo và Check ghi danh tham dự Họp Mặt của nhiều bạn và gia đình từ San Jose, Orange County, Texas, New Jersey… (đặc biệt anh Trịnh Xuân Nghiêm ở San Jose và anh Lương Quang Bình ở Texas là hai người đầu tiên đã gửi Hồi Báo tham dự và gởi check về cho chúng tôi).Tuy nhiên,  vì còn xa thời gian họp mặt nên số lượng khởi đầu, hãy còn khiêm tốn.

Có những ý kiến đóng góp của các bạn xa gần với BTC, nêu những yêu cầu chính như:
- Nên tổ chức thật lớn, thuê ban nhạc và ca sĩ để giúp vui, nên tổ chức trong 2 ngày, bầu Ban Đại Diện CHS, tổ chức tại nhà hàng sang trọng và lịch sự…

Về mục đích tổ chức Ngày Họp Mặt lần này, BTC xin xác định lại là: Chúng tôi chỉ muốn tạo điều kiện để chúng ta, những CHS/TCV và NTH/QT từ 1955-1975 có cơ hội gặp gỡ, hàn huyên, thăm hỏi nhau và gặp lại quý thầy cô sau một thời gian quá dài bị phân tán khắp mọi nơi. Với tinh thần Ái Hữu chứ không có mục đích nào khác.
Chúng tôi ước mong Ngày Họp Mặt sẽ được các bạn khắp nơi hưởng ứng nồng nhiệt, để chúng ta có niềm vui và hạnh phúc từ cuộc Hội Ngộ lần này. Sau đó chúng tôi sẽ công bố thu chi, kết toán tài chánh và mời các bạn ở một nơi khác, nhận đứng ra tổ chức lần sau, để có thể, một, hai năm sau, chúng ta sẽ tổ chức một Ngày Họp Mặt nữa.

Về việc thành lập Ban Đại Diện của Hội CHS/TCV hay NTH/QT, chúng tôi chưa có ý định, tuy nhiên nếu tất cả các bạn đều có mong muốn ấy, chúng tôi cũng sẽ dành một khoảng thời gian trong chương trình họp mặt sắp đến, để các bạn bàn thảo.

Việc tổ chức như thế nào, tự nhận xét về khả năng, chúng tôi có thể thực hiện đúng theo yêu cầu của đa số, nếu có sự đóng góp và hưởng ứng của các bạn, căn cứ vào số Phiếu Ghi Danh gửi về BTC trước ngày 31/3/2013.

Cũng xin nhắc lại, địa điểm dự trù sơ khởi là tại tư gia anh Nguyễn Diên, đã có trải qua kinh nghiệm hai lần tổ chức cho các nhóm có trên dưới 120 người mỗi lần họp mặt. Số chi phí dự trù lần nầy căn cứ vào địa điểm miễn phí này và ăn uống trong một ngày mà thôi. Nếu cần phải điều chỉnh địa điểm như thuê Nhà Hàng và thời gian 02 ngày theo nhu cầu, chúng tôi sẽ chiết  tính lại chi phí, căn cứ vào số người tham dự có gửi Phiếu Ghi Danh, nếu quý vị gửi về đúng hạn để BTC kịp thời chuẩn bị.

Như vậy, các bạn đừng lo về việc địa điểm họp mặt không đủ cho số người tham dự nhiều hơn 120 người, chương trình không đặc sắc… Mọi yêu cầu đều có thể thực hiện được một khi chúng tôi có đủ Thư Hồi Báo và Check các bạn gửi đến, dựa vào số lượng và khả năng tài chánh thực tế, chúng tôi mới có phương án chính thức cho việc tổ chức và sẽ thông báo sau khi đóng sổ ghi danh.

Xin các bạn quyết định tham dự càng sớm càng tốt  (hạn chót nhận Phiếu Ghi Danh là 31/3/2013) để chúng tôi có đủ thì giờ sắp xếp cho việc tổ chức được hoàn hảo.

(Nếu các bạn nào chưa quyết định dứt khoát, nhưng có ý muốn tham dự, cũng có thể email về BTC trước, để chúng tôi có thể dự tính số người tham dự. Xin email về: ndien3253@yahoo.com, rồi sau đó gởi check về sau, phải trước 31/3/2013)

Trân trọng kính chào quý thầy cô và các bạn.

San Jose, November, 15, 2012


TM/Ban Tổ Chức Họp Mặt:

Nguyễn Diên, Tôn Thạnh Anh, Phan Anh, Lê Thị Minh Châu, Phan Thị Lệ Hà, Nguyễn Văn Điều, Trần Văn Hựu, Lê Tuấn Ngộ, Trịnh Xuân Nghiêm, Võ Như Ý, Nguyễn Thị Nguyên, Trần Ngọc Yến, Nguyễn công Nhẫn

TÌNH SANG NGANG




Em về bên ấy vui không ?
Khi hoàng hôn xuống còn mong anh về
Tâm tư còn chút hẹn thề
Sớm chiều lối mộng đi về có nhau
Kỷ niệm xưa đã qua cầu
 Còn đây nức nở quyên sầu đêm sương
Ngõ về hai tiếng yêu đương
Bây giờ lỗi hẹn đoạn trường trăng sao
Rượu hồng, áo cưới, duyên trao
Em rời bến lỡ làm dâu nhà người
Pháo hồng hòa lẫn tiếng cười
Bến bồi lặng lẽ một người lệ tuôn
Lệ tuôn xuyên đôi má hồng
Giọt trên môi tím, giọt nồng tim côi
Ba mươi năm đã chia phôi
Sao chiều nay bỗng bồi hồi nhớ em
Em sang bến đã xuôi thuyền
Thuyền xuôi bến mộng em yên phận mình
Anh về ôn lại chuyện tình
Đêm đêm nhỏ lệ ghép thành vần thơ
Vần thơ : Tình đã xa nhau
Vần thơ: ghi dấu tình đầu dỡ dang
Bài thơ tình bước sang ngang
Tình thơ lỗi vận nghe càng buồn hơn
Nụ hôn nay cũng không còn
Hương thơm má phấn phai mòn tình xưa
Em đi  kẻ đón người đưa
Anh về lối cũ nắng mưa cuộc đời
Đông về đếm giọt mưa rơi
Bến bồi, bến lỡ anh ngồi buồn trông
Sông chia nước rẽ hai dòng
Tình em anh vẫn một lòng khắc ghi
Chép vần thơ tặng người đi
Buồn thương cho kẻ tình si dại khờ
Khép vần thơ lại đợi chờ
Chờ ai trao mối tình hờ xót xa...
Đợi mai kia tuổi về già
Gặp nhau nhắc lại tình ta với mình

Nguyễn Liên

Tặng anh Anh bài thơ Tình sang Ngang kỷ niệm tình dang dỡ tuổi học trò mới viết xong ngày 08/11/12

Monday, November 12, 2012

THƠ VIẾT CHO NGƯỜI - Thơ Nguyễn Văn Điều


như con nước trôi đều theo dòng chảy
tôi bao năm vẫn nương náu quê người
lúc cúi xuống bàng hoàng khi nhìn lại
mới hay mình đã vuợt tuổi sáu mươi

vẫn còn đó ngổn ngang bao khát vọng
có một thời tuổi trẻ đã qua mau
đã bao lần nghe lòng mình dậy sóng
khi bâng khuâng nhìn nước vỗ chân cầu

tuổi thanh xuân một thời nuôi chí cả
mong quê hương sẽ ngẩng mặt với người
khi thân chim đã bao lần bị ná
mới hay rằng mất trắng tuổi đôi mươi

đời vẫn thế lạnh lùng qua trước cửa
lòng thế nhân như nắng sớm mưa chiều
bao tráng sĩ ngày bảy lăm ngả ngựa
sống âm thầm trong bóng tối đìu hiu

còn lại đó chút lòng thơ ngày ấy
viết lên đây như thâm tạ ơn đời
yêu biết mấy có một thời non dại
mà lòng trần dâu bể vẫn chưa nguôi.

NGUYỄN VĂN ĐIỀU