Trường Trần Cao Vân Hành Khúc

Trường Trần Cao Vân Hành Khúc

Monday, October 29, 2012

Đọc thơ bạn học cũ Trần Cao Vân - Nguyễn Ánh Nhật


tranh Hồ Thành Đức



TẠ LỖI

Thơ tình xa .....không chết!

  
 
Tác giả: Hồ Hữu Đại
 
Hãy cho ta tạ lỗi cùng em
Nghe ngoài hiên nắng đổ bên thềm
Có bước chân ai về rất nhẹ
Mơ hồ trong nỗi nhớ không tên
 
Hãy cho ta tạ lỗi cùng em
Bởi yêu thương, tim cũng yếu mềm
Hồn cũng vội vàng như mới lớn
Suốt đời mong đợi cánh môi sen
 
Hãy cho anh tạ lỗi lần này
Để anh tỉnh lại giữa cơn say
Để em còn đó như con gái
Và để cho tình, hương thoảng bay
 
Ta ước mơ có một lần say
Em nằm lã mộng ở trên tay
Thời gian ngừng lại trong câu hát
Theo gió mơ hồ ru nắng phai
 
Có những đêm dài ôm chén rượu
Hồn nghiêng, độc ẩm với cây đàn
Có tiếng em cười trong tiếng hát
Một chút tơ sầu vương mênh mang
 
Ta ru hồn xuống giấc mơ hoa
Biết trăm năm là chuyện phôi pha
Chỉ xin gởi tiếng đàn theo gió
Về đến phương nào em với ta
Hồ Hữu Đại


 
 “Tạ lỗi” là một bài thơ của Bác sĩ Hồ Hữu Đại, một cựu học sinh trường Trần Cao Vân – Tam Kỳ, hiện đang công tác tại Bệnh Viện Minh Thiện - Tam Kỳ - Quảng Nam. Hồ Hữu Đại làm nhiều thơ và đã được đăng đàn trên các báo chí trong nước, nhưng với tôi, bài thơ “Tạ lỗi” đã làm tôi rất thích, nhiều khi lại có một cảm xúc như chính tôi – Một trái tim yêu hơn một lần đã khóc! Không có gì khác hơn ngoài sự đồng cảm với bài thơ, và một chút vui tiếu tiếu là tôi rất muốn cùng ai …..”Tạ lỗi” đâu đây!? Hơn hết, tôi thành thật mong tác giả bài thơ “Tạ lỗi” bỏ qua những gì tôi đã viết, có khi như là ngoài ý muốn của bạn...
Mở đầu bài thơ, tác giả cho người đọc một lời “Tạ lỗi” của chính mình trong khoảng không gian “ngoài hiên nắng đổ bên thềm” thật yên lặng và như một dải nhung. Và hình như chỉ có vài cơn gió thoảng qua thật khẽ, lặng yên đến mức vẫn còn nghe “Có bước chân ai về rất nhẹ”. Đó là phần “Đề” rất “truyền thống” của thể thơ 7 chữ, song lại thật dễ cho cái yên lặng thật thiêng liêng ấy, nhiều khi  làm ta nín thở, nghĩ về một câu chuyện diễm tình của tình yêu lứa đôi của một thời đã xa…..

Xét về tổng thể bài thơ “Tạ lỗi” của tác giả Hồ Hữu Đại. Đây không phải là lời ru vỗ dịu dàng cho tình yêu đôi lứa mà đây có thể như là một lời “sám hối”, lời “van xin”, lời “tự sự” cho một cuộc tình đã xa. Tình yêu là gì? Ta không biết! Nhưng ta chỉ biết một điều nay đã mất em, và ta rất muốn cùng em: ”Hãy cho ta tạ lỗi cùng em!”. Và sự “van xin” ấy tác giả đã điệp đến ….ba lần trong ba khổ thơ đầu. Không phải tôi đang mổ xẻ nghệ thuật làm thơ, nhưng tôi muốn nói rằng dường như tác giả có cái tâm cảm thật lòng của một người con trai khi tình yêu mất, tình yêu đi. Hơn nữa chính “điệp khúc” này là để cho người đọc hiểu thêm một cách đầy đặn chiều sâu nội cảm của hai từ “Tạ lỗi”. “Tạ lỗi” trong một không gian tinh khiết nhường ấy làm cho người đọc nghĩ đến về một tình yêu tươi đẹp và trắng trong. Có thể thuở ấy tâm hồn ta và em tinh bạch quá, trắng trong quá, nên mới khó gần nhau, rồi lại mất nhau. Tôi nghĩ “Tạ lỗi” là một đề tựa, rồi được nhắc nhiều lần trong bài thơ, đó là câu thiêng liêng nhất, thành thật nhất và đầy tâm trạng nhất của tình yêu mà bài thơ này muốn tụng ca
Và chúng ta có quyền hiểu thêm rằng “Tạ lỗi” của ta không phải là bỗng chốc mà ta đi “Tạ lỗi” với Người mà luôn có trong sự hằng thường của đời sống – Một sớm bình minh hay lúc “ngoài hiên nắng đổ” hoặc gần cuối bài thơ là “Có những đêm dài ôm chén rượu”. Có thể nói phần "Đề, Trạng, Luận, Kết" là những câu 'tạ lỗi", những lần say và những giấc mơ hoa. Điều đó tôi nghĩ tất cả là dành cho những ai may mắn gặp gỡ với tình yêu trong đời để rồi giờ vẫn sống trong tình yêu ấy bằng hoài niệm. Những điều ấy chắc chắn sẽ làm cho ta biết trân trọng tình bạn bè và hương vị cuộc sống này biết bao.
Hàng ngày, hàng ngày, năm tháng vẫn tiếp tục trôi qua, và ta vẫn cứ mãi lăn theo vòng quay cuộc sống…..Nhưng chẳng rõ cơn cớ vì đâu ta lại thường :”Mơ hồ trong nỗi nhớ không tên” , như hình bóng em đâu đó, như vô tình em lại làm khổ đời ta ? Ta tạ lỗi cùng em nhưng nào có nguôi ngoai :

Hãy cho ta tạ lỗi cùng em
Nghe ngoài hiên nắng đổ bên thềm
Có bước chân ai về rất nhẹ
Mơ hồ trong nỗi nhớ không tên


tranh Nghiêu Đề
 
Tình yêu có đời của tình yêu, như người  có đời người vậy. Vậy mà khi đời đang lưng chừng, ta cũng phải kịp xin nói một lời “tạ lỗi” cho một tình yêu. Tình yêu ư? Một đôi trai gái yêu nhau, rồi một lý do nào đó phải xa nhau, không hẹn ngày trở lại vậy mà ai cũng tưởng cho cuộc tình đã xong. Thật trớ trêu cuộc tình cứ đeo buộc ta suốt cả một đời. Rồi những lúc chẳng cơn cớ vì đâu khi :” Nghe ngoài hiên nắng đổ bên thềm” ta lại “Mơ hồ trong nỗi nhớ không tên”. Có ai dám chắc rằng tác giả chỉ :”Hồn cũng vội vàng như mới lớn”  mà không nghĩ về sự nông nỗi của chính mình thuở ấy:
 
Hãy cho ta tạ lỗi cùng em
Bởi yêu thương, tim cũng yếu mềm
Hồn cũng vội vàng như mới lớn
Suốt đời mong đợi cánh môi sen
 
Không phải ta khiêm nhường để xin em một lời “tạ lỗi”, hay ta muốn nhẹ nhàng bước tiếp một hành trình lang thang trong cõi sống. Ta muốn tỉnh lại giữa cơn say mà vẫn còn hát về một tình em “vĩnh cửu” trong ta và được nhìn thấy em “vĩnh cửu” ở thì con gái như ta từng đã si mê ….. Con người cũng có thể mơ về một tình yêu “vĩnh cửu” dù biết đó mãi mãi không bao giờ là sự thật. Một con suối nhỏ bao giờ vẫn là con suối nhỏ, nhưng khi say cảm xúc lại trào dâng thành một dòng sông tràn đầy, rồi cũng chỉ :” Để em còn đó như con gái, Và để cho tình, hương thoảng bay”
 
Hãy cho anh tạ lỗi lần này
Để anh tỉnh lại giữa cơn say
Để em còn đó như con gái
Và để cho tình, hương thoảng bay

Và tiếp theo đoạn thơ sau:
Có những đêm dài ôm chén rượu
Hồn nghiêng, độc ẩm với cây đàn
Có tiếng em cười trong tiếng hát
Một chút tơ sầu vương mênh mang



tranh
Đỗ Quang Em
 
Đối với tôi đây là một khổ thơ khá hay và xuất thần, có lẽ bài thơ được viết trong cơn say thật của tác giả. Viết những dòng này, tôi không phải là tác giả nên phải đặt câu hỏi rằng: “Hồn nghiêng” là gì?”. Phải chăng “Hồn nghiêng” là hồn bay bổng mà chỉ có trong những cơn say, say rượu, say tình và say em!? Bởi thế ta lại thường buông mình vào hư vô với cây đàn là chứng nhân để nghe tình yêu thổn thức. Tình ta với em xưa kia thật đẹp, có dịu dàng, có đượm nồng như  hơi men ta đã lỡ uống say. “Có những đêm dài ôm chén rượu” ta lại bị ám ảnh bởi âm thanh :”Có tiếng em cười trong tiếng hát”. Một khổ thơ quá hay, có thể đã lâu lắm rồi tác giả không có thời gian dừng lại, để rồi được lắng nghe có một tình yêu xưa lại về đang cựa mình thổn thức. Theo tôi nghĩ khổ thơ này rất thành công, đó làm cho người đọc như nghe thấy được tiếng nhạc trữ tình của cây đàn ghi ta lẫn tiếng hát trong veo, trông thật đắm say, trang trọng trong cái “yên lặng” cả nghĩa bóng và nghĩa đen của tình yêu trai gái. Có một điều sự thực sự rằng khi đọc đến đây tôi cứ ngỡ mình đã buột miệng hát lên được thành lời : “Ta còn em, Một màu xanh thời gian. Một chiều phai tóc em bay. Chợt nhòa, chợt hiện. Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố. Bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường” (Phú Quang - Phan Vũ)   

Những ai yêu nhau và đã từng trong xa cách và từng chia biệt sẽ tìm thấy ở bài thơ này một lời “tạ lỗi” trong nỗi đau. Này ta, này bạn, này em, này anh….. những trái tim yêu hơn một lần đã khóc, hãy một lần “tạ lỗi” cho một lần yêu trong vòm trời hoài niệm:

Ta ru hồn xuống giấc mơ hoa
Biết trăm năm là chuyện phôi pha
Chỉ xin gởi tiếng đàn theo gió
Về đến phương nào em với ta


tranh Nguy
ễn Trung
 
Bài thơ “Tạ lỗi” là một bài thơ được sáng tác theo thể thơ Đường Luật (Bảy chữ)?. Cũng đúng nếu ta không đánh giá về mặt “Đối âm”, một nguyên tắc cơ bản trong thể thơ này, luật “bằng, trắc” chữ thứ 2 và chữ thứ 6. Thanh của chữ thứ 4 với 2 chữ kia trong bài thơ này như : “Bởi yêu thương, tim cũng yếu mềm” hay  “Ta ước mơ có một lần say”  hoặc  “Một chút tơ sầu vương mênh mang”, hoặc cho đó là những sai sót do chủ quan. Vậy có thể nghĩ đây là bài thơ hiện đại, tự do “khổ 4 câu và mỗi câu 7 chữ”. Đó là một thể thơ thường có ở nam giới viết ít chú ý đến thể loại mà tập trung vào những cảm xúc đầy lãng mạn của mình. Và tôi đây chỉ nghĩ một cách đơn thuần, "Tạ lỗi" là "con đẻ" của một người lãng tử khi đã nếm và hiểu hương vị của cuộc sống, viết như để cân bằng giữa thực và hư hay giữa cuộc sống và lãng mạn, để thư thái tâm hồn của mình mà thôi.Gớm! Ai dám bảo ông Bác sĩ này chỉ biết bệnh, mà không biết “Tình” và thơ!?. Ai dè lại có một mối tình thật đẹp ghê!. Đôi khi tôi lại nghĩ ông dùng ngôn từ cho bài thơ này sang quá, chắc lọc quá như thể để “dốc hết tình” này, e rằng những mối “Tình sau” bị……. đuối. Tôi cảm ơn ông vì đã làm cho tôi có thêm một bạn …..thơ!
 
Andi Nguyễn Ánh Nhật(cựu hs TCV)

No comments:

Post a Comment