Trường Trần Cao Vân Hành Khúc

Trường Trần Cao Vân Hành Khúc

Saturday, October 27, 2012

Thành Tôn: Một thời làm thơ, một đời mê sách - Trần Yên Hòa


Tôi "biết" Thành Tôn từ thời anh còn là một học sinh truờng trung học Trần Cao Vân, Tam Kỳ, một quận lỵ nhỏ miền Trung. Anh học trên tôi đâu hai, ba lớp gì đó, có thể cùng với Nguyễn Nho Sa Mạc, Huy Tuởng (?). Hồi đó tôi không quen anh nhưng đã nghe tiếng anh làm thơ hay. Tôi cũng mê thơ và thích những người làm thơ nên những người theo đuổi mộng thi văn tôi đều rất quý trọng. Nhưng anh học ở Trần Cao Vân đâu chỉ mấy năm, rồi sau đó anh đi học chỗ khác, đâu ngoài Hội An hay Đà Nẵng gì đó.

Ngày Thành Tôn "nổi" nhất là thời gian thơ anh đăng trên Bách Khoa, trên Văn và khi anh xuất bản tập thơ Thắp Tình (1969). Lúc này tôi đang theo học khóa 2 SVSQ/Truờng Đại Học CTCT/Đà Lạt và sau đó ra truờng, tôi phải đi hành quân liên hồi kỳ trận, nên coi như cái mối liên hệ văn nghệ hay bạn bè không có gì với Thành Tôn cả. Nghĩa là chúng tôi chưa gặp nhau một lần.
Riêng tôi thì tôi có "thấy" anh một vài lần gì đó, dạo anh làm việc ở tiểu khu Quảng Tín. Sau những lần đi hành quân được về phố Tam Kỳ, tôi "thấy" anh hay chạy chiếc honda dame (hay xe jeep), bận đồ lính có gắn 2 bông mai đen, dáng cao ráo, cứng cáp, đẹp trai.

Nói về thơ Thành Tôn, qua tập Thắp Tình, Luân Hoán đã viết hết qua bài "Thành Tôn, Thắp Tình Đi Thuyết Giáo". Nay tôi có viết lại cũng là thừa. Vì những điều sâu kín nhất của cuộc đời Thành Tôn, cũng như về thơ anh, đã được Luân Hoán đề cập tới đầy đủ trong bài này và nhiều bài khác nữa.
Như vậy, dù thơ Thành Tôn và tiếng tăm anh rất "lừng lẫy" trong những ngày tháng truớc 1975, nhưng thú thật tôi chưa đọc được một bài thơ của anh, (hay có đọc rồi mà không nhớ), kể cả chưa cầm được trên tay tập Thắp Tình một lần, thuở đó.

Sau khi đi tù CS về, bọn "bạn văn nghệ" chúng tôi thường hay quây quần ở quán bún bò của Phan Nhự Thức, khi thì đọc thơ, khi thì hát hò cho vui vậy mà. Mục đích chính là giúp quán bò của Phan Nhự Thức có khách, có đồng ra đồng vào.

Trong những buổi họp mặt như vậy, một hôm có mặt của Thành Tôn, anh đến tham dự như một người bạn, anh ít nói, điềm đạm, trầm tĩnh. Anh không phát biểu gì, không tuyên bố gì, không đọc thơ, nên khi về, anh lặng chìm trong trí nhớ tôi, bây giờ nhớ lại, tôi chỉ biết là anh đã có mặt một lần ở quán Phan Nhự Thức.

Đến khi qua Mỹ, tôi đi làm ở hãng thịt heo thuộc tiểu bang IOWA, đọc trên tờ Khởi Hành của Viên Linh mới biết gia đình Thành Tôn mới qua Mỹ, qua rất trễ, đâu cuối năm 1996, dù anh đã ở tù CS hơn 8 năm và bị đưa ra tận ngoài Bắc nữa. Khi tôi trở về lại Cali, tôi mới gặp mặt Thành Tôn bằng xương bằng thịt.


Khi về lại Cali, tôi có một nguời quen là anh Phan Như Diệp, anh đang giữ chức Hội truởng hội cựu Học sinh Trần Cao Vân ở đây. Anh Diệp muốn làm một tờ Đặc San cho Hội và nhờ tôi đảm trách. Thật sự lúc đó, tôi như một người từ rừng về, không biết chút gì về cách làm một tờ Đặc San, computer cũng rất mù mờ, tôi nghĩ đến anh Thành Tôn và hình như qua số điện thoại của Thành Tôn mà tờ Khởi Hành đã đăng, tôi liên lạc được với anh.
Anh Thành Tôn rất nhiệt tình trong việc thực hiện Đặc San qua lời ngỏ ý của tôi, anh đã gởi một số bài thơ cũ của anh, cũng như gởi thêm những bài "thơ học trò" mà anh thấy hay. Tôi miệt mài đánh máy, lay out và cuối cùng Đặc San số 5 của Hội Ái Hữu Trần Cao Vân, Tam Kỳ cũng được trình làng. Nhìn bên ngoài bìa thì cũng tạm ổn, nhưng lật vào trang trong thì có biết bao nhiêu là lỗi, lỗi lay out không cân bằng, trình bày chữ mập mờ, không ngay hàng thẳng lối, quan trọng nhất là lỗi chính tả, đánh máy lúc chữ in lớn, lúc chữ nhỏ.

Xem qua "Đặc San", Thành Tôn lắc đầu, nói với tôi:
- Không được rồi, sai lỗi nhiều quá, nên bỏ đi, phát hành cho nguời ta đọc họ sẽ trách mình đó.



Bìa ĐS Trần Cao Vân


Tôi biết Thành Tôn rất kỹ lưỡng trong việc in ấn, nhất là lay out, chính tả. Một quyển Đặc San mà ngoài bìa ghi Chủ Bút: Lê Thành Tôn như thế này, anh ngại là phải, nhưng sách đã in rồi, bỏ thì uổng quá, với lại anh Hội truởng Phan Như Diệp nhận in và cất giữ, nói bỏ đi sao được. Nên cuối cùng cũng đành phải phát hành thôi.
Trong buổi họp mặt của Hội cựu học sinh trường Trần Cao Vân vào năm 1998, tại nhà hàng Palace, thành phố Garden Grove. Hôm đó rất vui. Anh chị em cựu học sinh và gia đinh, trên dưới độ khoảng tám chục người, quây quần ăn uống, ca hát và kể chuyện vui cho nhau nghe, thật ấm cúng và thân tình. Và hôm đó Đặc San được phân phát cho anh chị em, mọi nguời ai cũng hăm hở nhận sách.
Cuộc gặp mặt lần đó là lần gặp gỡ duy nhất của hội cựu học sinh truờng Trần Cao Vân tại hải ngoại.



Bài thơ Hồi Âm của Thành Tôn đăng trong ĐS Trần Cao Vân

Nay tôi ngồi đọc lại Đặc San số 5 của hội Ái hữu Trần Cao Vân Tam Kỳ mà thấy lòng vui vui. Cũng là một kỷ niệm. Đặc San - bị lỗi thì quá nhiều lỗi rồi - nhưng ở trong này cũng có nhiều bài hay như: Bài cho Tam Kỳ của Trần Hoài Thư, Điểm Diện Trần Cao Vân của Trần Thế Phong, Hương Đồng Phấn Nội, Hồi Âm của Thành Tôn, Lẵng Thơ Gởi Một Trường Xưa của Luân Hoán, Trên Chuyến Tàu Niên Thiếu của Huy Tuởng, Nói Với Em lớp Sáu của Trần Bích Tiên, Khi Qua Trường Học Cũ của Hoàng Lộc, Hương Xưa của Trần Yên Hòa. Nhất là có đăng bảng danh sách, địa chỉ, số điện thoại của tất cả anh chị em cựu học sinh Trần Cao Vân ở khắp nơi, nhờ danh sách này mà một số bạn bè cũ đã tìm được nhau nơi xứ người.
Đã nói là kỷ niệm thì dù hay dù dở cũng là kỷ niệm. Bây giờ nhìn lại, tôi vẫn thấy yêu và trân trọng những trang giấy lem luốc này. Nó biểu hiện tấm lòng tinh khôi, trong veo của tôi và anh Thành Tôn trong việc thực hiện Đặc San ngày đó.

Đến bây giờ chưa có ai tiếp tục làm một Đặc San cho hội cựu học sinh Trần Cao Vân nữa. Và hội cũng không còn hoạt động, hay có hoạt động cũng chỉ một nhóm người cùng phe nhóm với nhau. Tôi biết vì những tị hiềm, "tranh giành quyền lực", một số cá nhân đã cố cấy người "đảng phái" của mình lồng trong hội ái hữu, làm hoen ố và lu mờ đi tính cách ái hữu như ý nghĩa tự thân của nó. Nên tự động mọi cựu học sinh đều lánh xa và hội rã đám là lẽ đương nhiên.

Thôi cũng đành.


Tôi và anh Thành Tôn tiếp tục chơi với nhau từ ngày đó, sau này Thành Tôn giới thiệu tôi với anh Đạm Thạch, với anh Trần Văn Nam. Rồi kết thân luôn với anh Phạm Phú Minh

Đạm Thạch người quê Bến Tre, làm thơ với ngôn ngữ Nam bộ thật tuyệt.

Trần Văn Nam cũng người Bến Tre, nhà nghiên cứu, nhà thơ. Anh viết nghiên cứu về Thơ pha chút "triết" vào, đọc cũng rất "tới".

Phạm Phú Minh, người cùng quê, tôi quen từ ngày anh làm Chủ bút tờ Thế Kỷ 21, nay anh chủ trương tờ báo mạng Diễn Đàn Thế Kỷ cũng rất nhiều độc giả.


Hình Thành Tôn, Trần Yên Hòa, Đạm Thạch, Trần Văn Nam đi thăm Khánh Trường tại tu viện Sùng Nghiệm, Little SG, Nam Cali, USA, nhân dịp Khánh Trường triển lãm tranh, chủ đề  "Đáo Bỉ Ngạn"
Họa sĩ Khánh Trường, Thành Tôn
Trần Yên Hòa, Đạm Thạch, Trần Văn Nam
Khánh Trường - ngồi



"Lũ 5 người" chúng tôi tự nhiên kết thành một nhóm, thích nhau có lẽ đều "hiền như cục bột", 3 gốc Quảng, 2 Bến Tre mà coi như anh em. Có lẽ chúng tôi đối xử với nhau bằng con tim hơn là lý trí.

Cứ 2 tuần một lần vào sáng chủ nhật, tụi tôi hẹn nhau tại một quán ăn nào đó, ăn sáng, rồi qua cà phê Factory ngồi đấu hót, cứ xoay vòng như thế từng người chiêu đãi. Ở quán Factory, "lũ 5 người" chúng tôi ngồi một chốc, chắc chắn sẽ có nhiều anh em văn nghệ kéo ghế đến ngồi chung quanh, như Hồ Thành Đức, Nguyễn Đức Bạn, Nguyễn Đinh Thuần, Nguyễn Chí Kham, Nguyễn Mạnh Trinh, Phùng Minh Tiến, Phạm Quốc Bảo... Những buổi "tọa đàm" này thường dứt không ra, ít nhất cũng hơn 11 giờ trưa mới tan hàng ra về.

Thành Tôn dạo sau này không làm thơ nữa. Anh vẫn nói: "Làm thơ như vậy đủ rồi. Bây giờ mình thấy làm thơ không hay, thôi không làm thơ nữa". Tôi biết Thành Tôn muốn người đọc hãy đọc những bài thơ của anh ngày cũ trong Thắp Tình, để thấy một vóc dáng thơ Thành Tôn. Như người đàn bà đẹp chỉ muốn người ta nhìn ngắm nhan sắc mình khi còn tuổi xuân thì phơi phới. Đó cũng là một ý tưởng hay.

Bây giờ thì Thành Tôn chỉ đọc và nghiên cứu sách.

Có thể nói anh là một người có đầy đủ sách nhất. Điều này tôi chỉ biết qua nhận xét của tôi thôi. Anh mua đủ loại sách, dù có những quyển sách anh không thích nhưng anh vẫn mua về để làm tài liệu. Những sách cũ của các tác giả xuất bản ở VN truớc 1975, qua cuộc đổi đời 75, khi ra đi không mang theo được. Thế mà hỏi Thành Tôn, anh lại có, như những tập thơ của Du Tử Lê chẳng hạn. Khi Du Tử Lê in toàn tập thơ Du Tử Lê, Thành Tôn đã cung cấp cho Du Tử Lê những tập thơ cũ mà Du Tử Lê không còn. Hay bây giờ, nếu một bạn văn nào đó cần tài liệu cũ, Thành Tôn đều có và cho muợn ngay. Đến nhà anh, anh cho xem những tác phẩm của các nhà xuất bản An Tiêm, Ca Dao, Lá Bối... mà anh đã đem theo và còn cất giữ, mới thấy được hết tấm lòng của Thành Tôn đối với chữ nghĩa, sách vở. Anh kể, khi anh đi Mỹ, quan trọng nhất là 2 thùng sách anh mang theo, sau đó mới là những vật dụng cá nhân cho gia đinh.

Vừa rồi, cũng nghe Thành Tôn kể lại, anh đã thực hiện giúp một công việc mà anh thấy là có ý nghĩa nhất, là một bạn văn, muốn thực hiện bảo tồn những cuốn sách cũ của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Những tập này nay đã quá cũ nên rách nát. Người này đã nhờ Thành Tôn ngồi dán lại rồi đi copy từng trang, sau đó đóng lại thành tập. Họ sẽ thu vào trong máy dưới dạng microscope để cất giữ. Công trình này tốn nhiều công sức, cần sự tỉ mỉ, yêu sách và có lòng. Thành Tôn đã bỏ công nhiều ngày và đã thực hiện xong.
Sách có thể nói với Thành Tôn là đời sống. Anh luôn luôn tìm tòi trong những trang sách cũ, những bài thơ hay, những truyện hay để gởi đến bạn đọc, qua mục Văn Khố & Người Thủ Thư trong nguyệt san Phụ Nữ Diễn Đàn, xuất bản tại Little Sài Gòn, Nam Cali mà Thành Tôn đã cộng tác. Anh chọn bài rất cẩn trọng, những tác phẩm anh chọn đều hay.


*



Thành Tôn vừa trải qua một cơn bệnh tạm gọi là trầm kha. Ung thư nhiếp hộ tuyến. Thực sự ra, mới đầu anh không biết mình bị bệnh này. Hãy nghe lời anh kể cho nhà viết phiếm Song Thao ghi lại:

"Ông bạn nhà thơ Thành Tôn của tôi thì tình cờ bắt được chữ “liệt”. Ông bị cuờm mắt, đi khám để mổ. Trong chu trình trước khi mổ, có màn thử máu. Đã mất công thử thì thử luôn, vậy là bạn tôi thử máu tổng quát. Lòi ra anh PSA cao. Cao tới 20.5 lận! Ăn đứt con số 12 của ông bạn Hoàng Chiều Nhân. Người ta có 4 mà mình lên tới ngút ngàn, những năm truớc, PSA của ông nhà thơ Thành Tôn cũng đãa lên tới 15 nhưng thử sinh thiết tiếp theo thì không phải cancer. Vậy là năm nay lại sinh thiết tiếp. Lấy một tí
mẫu trong tuyến để xét nghiệm. Chuyện xem ra có vẻ dễ dàng nhưng lại sinh chuyện. Khi nong chiếc ống vào đuờng tiểu, ông bạn tôi đau tới chảy nước mắt. Giọng ông kể lại trong phôn: “Cái thứ dùng cho Mỹ mà nong vào mình thì anh coi làm sao chịu thấu! Lại thêm tuổi cỡ mình thì thứ chi cũng co lại, te tua hết đưuờng tiểu, đau cách chi đâu!”.
Về nhà dưỡng thương, tưởng yên rồi, nhưng lại qua chuyện khác. Đường tiểu nhất định đinh công không làm việc. Anh bạn tôi bí tiểu tới 8 tiếng đồng hồ. Chịu không nổi, phôn bác sĩ. Lại trở lại nơi mới được tan hàng đi về. Lần này ông bạn tôi được nhét cái cái ống có kèm theo cái bọc chứa nước tiểu.Vẫn thứ ống dành cho Mỹ mà Việt phải chịu này. Đau thấy ông bà ông vải. Bạn tôi phải chịu đeo cái bọc này trong bốn ngày liền. Nước tiểu có ra, ra tới cỡ một gallon lận, nhưng cấn cái hết biết. Nằm không được, ngồi cũng không xong. Rồi cũng tới lúc phải rút cái ống nhân tạo này ra để cho cái thứ thiên tạo cơ hữu làm việc. Khi rút ông ra y tá cho biết nếu lần này vẫn bí thì lại phải nhét ống lại nữa. Nghe vậy bạn tôi tá hỏa. Chắc chết! May sao, khi về nhà, đang lo về nỗi đoạn trường nếu cái thứ làm việc từ khi cha sanh mẹ đẻ tới giờ vẫn ỳ ra không chịu lao động nữa, thì không biết nhằm vào giờ chi mà ông Trạng Quỳnh bỗng tạt qua nhà bạn tôi. Tự nhiên ông nhà thơ nhớ tới trò ma bùn của ông Trạng ngày xua. Chẳng là vua muốn hành ông trạng hỗn hào nên phú cho lính tới nhà đại tiện tự do trong nhà ông. Ông Trạng Quỳnh không dám phạm thượng nên phải mở cửa nhà cho lính vào làm cho nhà ông thành nhà… tiêu. Nhưng cũng theo đúng lệnh vua, ông ra điều kiện: chúng bay chỉ được đại tiện, cấm tiểu tiện. Có ai làm chuyện lớn mà thông qua được chuyện nhỏ đâu! Vậy là quân lính kéo quần lên đi về. Ông Thành Tôn nhớ lại được chi tiết đáng tiền này. Và ông suy luận. Bí đái thì có nhưng đầu óc ông không bí. Ông đặt ngược lại vấn đề. Như vậy muốn tiểu được thì ta cứ làm… đại. Vậy là ông hét vợ con ra nhà thuốc kiếm cho ông thuốc nhuận truờng nhét vào chỗ… pháo đại. Vậy là pháo nổ, thông trước thông sau ngon lành. Ăn đứt y khoa tân tiến!".

Song Thao viết vậy, nhưng ở gần anh tôi biết anh đã trải qua một giai đoạn "kimo" thật lâu, thật đau khổ (ai đã kimo rồi mới cảm thấy sự chịu đựng này, hình như Thành Tôn đã trải qua mấy chục lần, tôi chỉ biết khi nghe Thành Tôn nói thế). Một Thành Tôn với ý chí kiên cường vượt qua cơn bạo bệnh, cùng với sự yêu thương của nguời vợ, chị Phan Thị Trinh, người bạn đời gắn bó với Thành Tôn gần 50 năm, cùng với những đứa con hết lòng yêu thương săn sóc bố, Thành Tôn đã vuợt qua. Và bây giờ anh vẫn đọc sách, tìm sách hay và nhất là một lòng yêu thương những bạn bè văn nghệ.

*

Những anh em văn nghệ ở xa có đến Little SG, Nam Cali, cứ hai tuần một lần, "lũ năm người" chúng tôi, vẫn thường ngồi uống cà phê ở Factory. Các bạn có đến thì hãy mời vào cùng bàn chúng tôi, nói chuyện văn nghệ văn gừng, trên trời dưới đất cho vui.
"Cũng đủ lãng quên đời."
 

Trần Yên Hòa

No comments:

Post a Comment