Trường Trần Cao Vân Hành Khúc

Trường Trần Cao Vân Hành Khúc

Thursday, November 1, 2012

Bánh Ít Lá Gai - Nguyễn Thị Duy





  Mấy hôm nay thời tiết ở đây bỗng dưng thay đổi. Nắng ấm ở đâu tràn về làm bừng sáng cả khoảnh vườn nhà Hạ. Mấy cụm thủy tiên trước nhà cũng nhạy bén nhú lên những mầm lá xanh xanh ngời lên như màu ngọc bích. Hạ cảm nhận được mùa xuân đến rồi đó. Giờ nầy nơi quê nhà mọi người cũng đang nao nức chuẩn bị đón xuân. Hạ lại miên mang nhớ về những mùa xuân cũ.  Vui nhất là những ngày cận Tết.  Khi nhà cửa vườn tược đã dọn dẹp đâu vào đó.
Mẹ Hạ lại bắt tay vào việc chuẩn bị thức ăn, bánh trái để có đủ dọn cúng trong ba ngáy Tết và còn dùng lai rai cho đến ra Giêng. Về bánh trái thì khỏi nói. Mẹ Hạ làm đủ thứ. Mấy thứ bánh để được lâu thì mẹ Hạ làm nhiều hơn như bánh tổ, bánh tét, bánh ít lá gai… Mẹ nói làm nhiều nhiều để còn gởi biếu bà con ở xa và các anh chị Hạ mang theo khi trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết.  Trong mấy thứ bánh mẹ làm Hạ thích nhất là bánh ít lá gai.  Lúc nào trong cái thùng bánh tét to đùng sau cùng của ngày 30 Tết, mẹ Hạ cũng gởi thêm một mớ bánh ít lá gai hấp lên trên thùng sau khi mấy cái nồi hông bánh ít kia đã quá tải (Lúc đó chưa có cái nồi hấp bánh bằng nhôm như bây giờ, chỉ dùng mấy cái nồi hông bằng đất nung).  Tối 30 Hạ cùng với mấy anh chị ngồi quây quần châm củi, đốt lửa canh chừng nồi bánh tét. Ngoài trời tối đen và se se lạnh. (Hèn chi người ta thường nói “tối như đêm 30”).


  Các anh chị Hạ thi nhau kể chuyện, cười vui xen lẫn với tiếng củi reo tí tách trong bếp lửa. Mặt người nào cũng hồng lên vì ánh lửa rọi vào. Riêng Hạ yên lặng ngồi bó gối nhìn chăm chăm vào bếp lửa chỉ để chờ cho mẹ hô lên bánh ít đã chín và mẹ lấy ra. Mẹ lựa mấy cái bị hư, bị bể để riêng cho Hạ. Bánh ít là gai mẹ làm thật là công phu. Mấy ngày trước mẹ đã lo hái lá gai, tướt bỏ gân lá, rửa sạch. Lá gai có hình trái tim. Mặt trên lá có màu xanh và mặt lá bên dưới có màu trắng trắng như màu bạc. Bên ngoài mặt lá có lớp lông ngắn mịn. Sờ tay vào lá ta có cảm giác như lớp vải  nhung mỏng. Khi bắt đầu làm bánh, mẹ Hạ luộc lá gai  cho chín, quết nhuyển rồi nhồi  chung với bột nếp. Nhân bánh làm bằng đậu xanh xay mịn trộn với đường (có nơi người ta còn dùng thêm dừa nữa ). Mẹ Hạ nói “bánh nầy để được lâu nhờ có lá gai trộn chung với bột.” Cái bánh nầy trông đen đen, xấu xí nhưng ăn lại ngon. Mùi thơm của lá gai, của gừng hòa với vị béo béo, thơm thơm của đậu xanh thật là thú vị.  Không phải chỉ có Hạ thôi, mà người dân quê Hạ ai cũng thích thứ bánh nầy nên ngày Tết nhà nào cũng có làm để cúng Ông Bà.
  Đó là những ngày xuân an bình  khi làng quê Hạ chưa có bóng giặc. Sau nầy chiến tranh ngày càng khốc liệt, làng quê Hạ lọt vào tay Cộng sản. Gia đình Hạ bỏ quê tản cư xuống sống gần thị xã.  Những cái Tết sau nầy cuộc sống bấp bênh nhưng mẹ Hạ vẫn không quên làm món bánh ít lá gai để cúng Ông Bà trong ba ngày Tết. Bây giờ trong nhà không còn người phụ giúp. Thấy mẹ bận rộn chuẩn bị Tết ,Hạ cũng phụ một tay với mẹ để làm bánh nầy, bánh nọ… Lần nầy Hạ lại lãnh cái phần quết lá gai, quết bột cho mẹ làm bánh ít lá gai.  Lúc bỏ quê chạy tránh giặc, mẹ cũng không quên mang theo cái cối đá nho nhỏ để đến hôm nay Hạ giúp mẹ quết bột bằng cái cối đá nầy. Giai đoạn quết lá gai thì nhẹ nhàng nhưng khi mẹ nhồi lá gai và đường vào bột thì quết không phải là dễ. Bột quyện dính vào chày làm cho mỗi nhát quết nặng nề thêm. Tay Hạ mỏi ơi là mỏi.  Trong khi Hạ quết bột thì mẹ chuẩn bị nhân bánh và lau lá chuối. Quết được một chặp tay Hạ rã rời! Mỏi quá nên thỉnh thoảng Hạ  cứ hỏi mẹ “ Mẹ ơi, coi thử bột được chưa?” Mẹ đưa tay bốc một cục bột bóp bóp rồi nói như ra lệnh “Chưa được đâu! Phải “lèn” cho kỷ bánh mới ngon”. Hạ buồn thiu, lại quết nữa… Câu hỏi của Hạ và câu trả lời của mẹ cứ như một điệp khúc được lặp lại nhiều lần. Cánh tay đưa lên hạ xuống của Hạ như chậm hơn.  Hạ suy nghĩ trong đầu “Làm thứ bánh chi mà cực như vậy không biết nữa!” Nhưng khi nghĩ đến chuyện thưởng thức cái bánh nầy Hạ thấy tay mình như mạnh hơn, quết nhanh hơn! Thế mới biết cái gì cũng phải có cái giá của nó… Đến khi nghe mẹ nói “Được rồi đó! Đừng quết nữa con” thì trán Hạ đã rịm mồ hôi. Hạ thở ra một cái để lấy khí thế mà tiếp tục giúp mẹ vô nhân bánh và gói bánh. Mẹ cứ luôn nhắc Hạ nhớ bôi vào lá một chút dầu để lột bánh cho dễ.  Mẹ nhắc nhở câu nầy Hạ nghe được lắm… Lúc ăn bánh mà lột bánh không được là mất ngon rồi.Thấy me vui vui nên Hạ lại hỏi mẹ “ Mẹ nề! Mẹ làm nhiều bánh như ri sao lại nói là bánh ít hở mẹ ? “ .Mẹ không trả  lời câu hỏi của Hạ mà nói “ Đừng có hỏi cắc cớ nữa , lo mà giúp mẹ gói bánh đi” ( Chắc là mẹ “bí” rồi nên không trả lời  được câu hỏi của Hạ, nói cho vui vậy thôi chứ làm sao mà mẹ “bí’” được . Lúc nào với Hạ mẹ cũng là người mẹ tuyệt vời nhất mà...). Rồi   Mẹ cứ vừa gói bánh vừa nói “Khéo thì gói bánh tày, vụng thì ta vày bánh ít”, lúc đó Hạ chẳng biết bánh tày là bánh gì nhưng theo Hạ hiểu chắc là bánh nầy khó gói lắm. Chắc là mẹ nói để khuyến khích Ha  khi thấy Hạ hì hà hì hục  gói được có mấy cái bánh mà nhìn chẳng giống cái gì cả, phần lớn là mẹ gói hết…


   Qua những mùa xuân như vậy… Rồi Hạ lớn lên… Có chồng… Chưa kịp làm được gì giúp mẹ có được một mùa xuân thảnh thơi hơn thì mùa xuân 75 ập đến! Chồng Hạ vào tù. Ai đời ở tù mà không có án! Bởi thế Hạ chẳng biết khi nào chồng mình được tha về. Mẹ lại cưu mang thêm một gánh nặng: Đứa con gái và một đứa cháu ngoại. Vật đổi sao dời. Mọi việc cứ rối tung lên từ sau cái mùa xuân khốc liệt ấy. Cái Tết đầu tiên năm đó – Cuộc sống chưa ổn định – Mẹ Hạ đã bỏ quên đi không nhắc chi đến chuyện làm bánh ít lá gai cúng Tết. Hạ thì háo hức lo chuyện đi thăm nuôi chồng trong mùa xuân đầu tiên anh vắng nhà. Quà thăm nuôi anh được Hạ gói ghém khiêm nhường trong 2 chiếc giỏ nhỏ nhỏ. Món bánh ít lá gai mẹ hay làm được Hạ thay thế bằng mấy cái bánh ít bằng bột khoai sắn nhân đậu phụng. Mẹ nhìn hành trang chuẩn bị đi thăm chồng của Hạ mà mẹ thở dài…Rồi mẹ nói “Thôi kệ,  ăn theo thuở, ở theo thời”. Thấy Hạ buồn buồn mẹ lại an ủi “Buồn chi con. Cả đất nước đổ xuống cái ầm chứ có riêng chi con. Ráng đi con! Còn mẹ đây. Tết sang năm mẹ làm bánh ít lá gai cho mà đem lên cho nó”. Tết năm đó, mùng một Tết, Hạ gởi con cho mẹ để đi thăm chồng. Anh được “tập trung cải tạo” tại tổng trại 4 xã Kỳ Sơn. Trại thăm nuôi ở ngoài ngã ba An Lâu, xã Kỳ Sơn. Đầu năm mới ai cũng nôn nóng gặp mặt người thân, bởi vậy thân nhân thăm nuôi tù đông nghẹt. Nhà thăm nuôi không đủ chỗ chứa. Tù và thân nhân có cơ hội được trải tấm nylon áo mưa ngồi nói chuyện, trao quà chung quanh khuông viên nhà thăm nuôi dưới sự kiểm soát của vệ binh trại. Tuy vậy, thời gian nầy tù do quân đội quản lý nên có vẻ dễ chịu hơn. Núi rừng Kỳ Sơn hôm đó như tràn ngập mùa xuân! Hoa lau nở trắng mấy cụm rừng. Gió xuân nhè nhẹ thổi mơn man trên tóc Hạ. Hạ chợt nghĩ phải chi lúc nầy chồng Hạ không phải là người tù, Hạ và anh,  hai đứa sẽ nắm tay nhau dạo chơi trong khung cảnh xuân về nơi đây. Hít thở không khí xuân cho căng đầy lồng ngực. Thì thầm cho nhau nghe lời tình tự của mùa xuân “Anh cho em mùa xuân. Nụ hoa vàng mới nở. Chiều xuân nào nhung nhớ…” Đất trời vô tình quá! Đâu hiểu được cái nỗi đau… Cái đổi thay ghê gớm của con người! Bất chợt Hạ giật mình khi nghe anh hỏi “À, Tết nầy mẹ có làm bánh ít lá gai không em?”


Hạ nghe lòng mình quặn đau. Nhưng cũng kịp nhanh nhẩu trả lời “Ăn hoài bánh đó chán lắm. Em nói mẹ đổi món. Tết nầy mẹ làm bánh ít bột khoai sắn nhân đậu phụng cho lạ lạ. Có đem lên cho anh nữa đó. Anh ăn đi!”. Chắc anh hiểu nên nói “ Ồ! Thứ gì ở đây cũng quí hết em à!”. Hạ quay sang nói chuyện khác. “Anh à! Hồi nảy trước khi mấy anh ra thăm nuôi, mấy ổng tập họp tụi em lại và nói “Xuân nầy là xuân chiến thắng, xuân sau là xuân sum họp”. “Mấy ổng bảo tụi em nhắc nhở mấy anh học tập cho tốt để năm tới sum họp với gia đình. Chắc sang năm anh về rồi đó. Em mừng quá !”. Anh không trả lời chỉ cười cười và nhìn Hạ rồi nhìn ra xa xa trước mặt…Ngày xuân nên trại dễ dãi cho thăm nuôi hơn 20 phút. Hạ ra về ,mang cả mùa xuân nơi đây về kể với mẹ. Giống như anh, mẹ cười cười và nói “Tội nghiệp, con còn nhỏ dại, chưa trải đời.  Đừng tin những chi mấy ổng nói, mà chờ thấy những chi mấy ổng làm” ( Mặc dầu đã có chồng, có con nhưng dưới mắt mẹ lúc nào  Hạ cũng là đứa con nhỏ dại vẫn cần vòng tay bảo bọc của mẹ).
    Rồi từng mùa xuân tiếp theo đi qua, chồng Hạ chuyển trại nhiều lần. Hạ phải đi thăm nuôi xa hơn. Mỗi chuyến đi thăm phải ở lại, ngủ lại ở trại thăm nuôi. Sự quản lý của trại  càng gắt gao hơn. Mẹ Hạ càng ngày một già hơn. Kinh tế gia đình càng ngày càng eo hẹp. Những chuyến thăm nuôi cứ lùi xa, lùi xa hơn! Tuy vậy mỗi lần Tết đến quà thăm nuôi anh Hạ cũng thay mẹ làm bánh ít lá gai mang lên cho anh, để anh luôn nghĩ mẹ còn khỏe và luôn nhớ đến anh…
Bây giờ lưu lạc nới xứ người cái bánh ít lá gai đối với Hạ như có cái gì đó gắn bó với hình ảnh quê nhà. Lúc trước mỗi lần có người về thăm quê, chị Hạ hay gởi qua cho Hạ lá gai chị phơi khô và xay mịn để Hạ làm bánh ít. Lúc nầy thì không cần nữa. Người Việt mình đã chịu khó mang được giống lá gai sang trồng ở đây. Điểm đặc biệt là loại cây nầy trồng ở đây mùa đông cây tàn đi và mùa xuân nó lại đâm chồi phát triển trở lại. Người Việt mình chuyền cho nhau giống để trồng. Bởi vậy Hạ thấy bà con đồng hương ở đây nhà nào cũng có trồng một cụm. Thế mới biết bánh ít lá gai nó gắn bó hình ảnh quê nhà với bà con đồng hương mình như thế nào!



  Nhưng ngặt một nỗi bây giờ bà con mình ai cũng lo ngại sợ hiện tượng lượng đường trong máu tăng cao nên hạn chế việc dùng mấy loại bánh ngọt. Bánh ít lá gai cũng nằm trong danh sách cần kiên vì vỏ bánh có đường, nhân bánh cũng có đường! Nhưng rồi khi có bánh ít lá gai ai cũng nói “ Thôi kệ! Ăn một cái rồi ngày mai kiên!”. Riêng Hạ cái bánh ít lá gai đã  gắn bó với Hạ nhiều kỷ niệm khó quên. Mỗi lần đi dự đám giỗ , họp mặt với bạn bè hay đến chùa, nhìn thấy có bánh ít lá gai Hạ như bắt gặp được một  thứ gì hiếm quí đã bị mất đi!... 
 Hạ cũng nghe nói có lần có một bài viết về bánh ít lá gai đã gây xôn xao trong bà con trên “mạng”. Tác giả cũng nói về cái bánh ít lá gai ở quê nhà và dùng nó để khơi dậy lòng yêu quê hương của người Việt hải ngoại , mong muốn người Việt hải ngoại về tham gia xây dựng quê hương. Cũng giống như nhà thơ Đỗ Trung Quân đã từng viết “Quê hương là chùm khế ngọt… Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”. Mơn trớn cái kiểu nầy Hạ thấy nó kỳ kỳ sao ấy!  Mỗi người có một ý thức riêng. Họ sẽ biết khi nào cần để về… Cái bánh ít lá gai đã gắn bó hình ảnh quê nhà với chúng ta , nhưng thực tế bây giờ về được quê để ăn cái bánh ít lá gai  thì cũng không chắc thú vị  như ta làm được ở đây: An toàn về vệ sinh, về phẩm chất thì cái bánh it lá gai ở quê nhà sẽ không chắc đạt, ngoại trừ của bà con mình tự làm. . bởi vì quê hương mình bây giờ cũng khác xưa nhiều vì ảnh hưởng của anh hàng xóm “môi hở răng lạnh” nên ít có cái gì thiệt!  Hạ cũng nghe nói ở quê mình nước rau má lại xay thêm lá chuối cho có nhiều màu xanh và giá thành sẽ hạ để dễ tiêu thụ hơn! Bánh ít lá gai chắc đỡ hơn, không thay lá gai bằng lá chuối được nhưng theo Hạ đoán chắc cái bánh sẽ nhỏ xíu xiu và có cái vi ngọt lợ lợ của  đường hóa học ! Ở đây mỗi lần cần làm bánh ít lá gai Hạ làm dễ dàng hơn lúc nhỏ khi phụ với mẹ Hạ làm, không phải quết bột mỏi đừ tay như hồi đó. Hạ chỉ luộc chín lá gai , bỏ vào máy xay sinh tố xay nhuyển và trộn vô bột nhồi. Thế mà mỗi lần làm bánh ít lá gai Hạ lại nhớ về mẹ, nhớ về những mùa xuân cũ êm đềm nơi quê nhà. Ước chi Hạ được sống lại những ngày tháng đó. Có phụ mẹ quết bột mỏi tay rã rời Hạ cũng không than thở chút nào và chắc chắn ăn cái bánh ít lá gai ngày đó sẽ ngon gấp ngàn lần cái bánh mà Hạ làm bây giờ. Hạ lẩm nhẩm một mình “Cho tôi lại ngày nào,  trăng lên bằng ngọn cau, me tôi ngồi khâu áo, bên cây đèn dầu hao… Cho đi lại từ đầu, chưa đi vội về sau….”


 Charlotte, NC, một ngày cuối năm….
Nguyễn Thị Duy
(cựu nữ sinh TCV)

No comments:

Post a Comment