Trường Trần Cao Vân Hành Khúc

Trường Trần Cao Vân Hành Khúc

Wednesday, July 10, 2013

Viết vài dòng cho Đại Hội - Nguyễn Hoàng Diệu





Tạp bút
 
Có phải đó là những phút tuyệt vời cho 1 nửa đời còn lại?. Một tâm trạng khó tả của từng đứa trong bọn. Đã bao lâu rồi “Bọn nó” mới gặp nhau, 5 năm, 10 năm, 38 năm rồi và có cả những đứa chưa bao giờ nói với nhau một lời ấy vậy mà họ đến với nhau không khác gì tri kỷ của nhau. Bởi cái tên chung của “Bọn nó” là “6875 Trần-Cao-Vân & Nữ Trung Học Quảng Tín”.
Con Phi “ban C”, …Thằng Hùng “ban B”, Con Nguyệt “Tiên Phước”, thằng Sanh “Tân Mỹ” và nữa, Thu Thái “Kỳ Nghĩa”, Nguyệt Nguyễn, Lan Cao, Lài Vỏ.Thúy Vỏ, Tiến Trình rồi thằng “Kỳ Bình” Nguyễn Khắc Cần….. “Bọn nó” đã chụm lại đây …một nơi …thật xa quê hương của “Bọn nó”. Nói cười huyên thuyên, “Bọn nó” đã gọi tên từng đứa, nhắc chuyện từng “em”, Chuyện cũ, Chuyện mới thôi thì cứ thế mà tuông, chính những “mầy”,“tau” “mi” nhưng không có “tớ” của tuổi học trò, thời mài đũng quần ở Trần-Cao-Vân hay Nữ Trung Học, 3 giờ sáng rồi mặt trời hừng lên vẫn chưa hết chuyện…….. Một ngày, rồi hai ngày… câu chuyện thuở học trò như không bao giờ kết thúc. Chuyện của bọn “thứ 3” ở thời trung hoc ấy mà.
“Cái gì đó của thời cuộc, dấu ấn của chia xa, của ngăn cách đã trói buột “Bọn nó” lại gần nhau hơn”. Có lẻ đó là nguyên lý của đời sống. Rõ ràng “Bọn nó” quý nhau, chăm sóc cho nhau như ruột thịt, Trân trọng từng phút bên nhau, như những cặp tình nhân yêu nhau thắm thiết, “Bọn nó” không muốn đứng dậy khỏi chổ đang ngồi, không ai muốn bước ra khỏi phòng, như e sợ chi một tiếng động khẻ thôi sẽ làm vỡ đi cái cảm nhận có nhau trong đời sống. Tất cả đang rất trân quý cái cảm xúc có được sau thời gian dài tưởng chừng chẳng bao giờ tìm thấy nữa trong suốt cuộc đời còn lại. Những câu chuyện “cũ rích” thời xa xưa, (Không một anh Trần-Cao-Vân nào đi vào Nữ Trung Học trở ra mà còn nguyên Xác). Được dịp sống lại ở đây, lối kể chuyện khéo léo với nụ cười xinh tươi trên môi của Tiến Trình, được góp thêm tình tiết bởi Khắc Cần….. đã làm cho những câu chuyện đó sống lại một cách rất thực, có lúc mình tưởng chừng như mới 17, 18 tuổi, hay vẫn đang ôn học ở Trần-Cao-Vân. Rồi nữa, bọn con trai nghịch ngợm trốn học tắm sông, dòng sông nước mát của quê hương Tam-Kỳ đã vỗ lớn bao thân hình bé bỏng để đi vào thời trưởng thành của đời người, một khúc đường quê, một vủng nước vệ đường cũng dường như đuợc dựng lại mòn một trong ký ức tuổi thơ.
Cái ngày của đàn chim “6875” vở tổ cũng là ngày chia xa khó quên của “Bọn nó”. Mổi đứa một nơi xa xôi tận cùng của đất nước, Thác Bản Giốc hay Cà-Mau, trên cao của vùng sơn cước hay tận Hoàng, Trường Sa xa lắc của quê huơng. Xa thật xa, xa hơn cả tâm thức của địa hình, bởi sự thiếu thốn và lạc hậu của xã hội thời bấy giờ, bởi sự hạn chế của hòan cảnh. “Bọn nó” tưởng chừng sẽ không bao giờ gặp lại. Mỗi đứa một câu chuyện riêng cho đời sống, gia đình, xã hội. “Bọn nó” cũng đã trải qua cùng thăng trầm của đất nuớc quê hương……. Tạo lập, đứng vững cùng xã hội, xây dựng thế hệ kế tiếp, bây giờ, có lẻ ai trong “Bọn nó” cũng sắp xong trách nhiệm trả nợ đời sống, Trách nhiệm ấy sẽ phải giao lại cho con cháu và rồi cũng phải tự tìm cho mình chút an nhàn trong cái nhiễu nhương, bận bịu của cuộc đời. “Bọn nó” đã đến lại với nhau, dù phải trèo bao nhiêu núi cao, vuợt bao nhiêu biển, hồ, sông, rạch.
“Thương nhau mấy núi cũng trèo. Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua”.
Thương ai mà Nguyệt bay nữa vòng trái đất, Yêu ai mà Tiến-Trình vượt núi trèo đèo. Bọn Cần, Hùng, Diệu thì lái xe hằng bao tiếng đồng hồ để đến, Thu Thái từ bờ Đông sang bờ Tây đất nước Hoa Kỳ này, yêu anh chàng nào mà Ngọc-Anh-Vũ, Phi-Trịnh phải sắp sẵn chương trình đón đưa để tiết kiệm từng phút cho lần gặp gở nầy vậy? Thúy Vỏ đã phải bỏ Tiệm tập hát cho ngày gặp mặt. Vậy đó, “Bọn nó” là những nguời bạn cố tri, bạn của nhau từ thời cắp sách, Không một toan tính gì hơn là được nhìn nhau sau bao ngày xa cách.
Có một điều lạ nữa là chỉ thấy con số “6875”. “Bọn nó” đều biết ngay đây là những người thân nhau không cần kiểm chứng, cái gì vậy?, Cái gì đã gắn kết?. Cái, cái gì cho “Bọn nó” tự tin để biết rằng “Bọn nó” sẽ được đón tiếp như những nguời bạn chí thân khi đến với nhau, có phải chăng là sự rời trường học trong một bối cảnh khá đặc biệt của thời học sinh (1975), rời trường mẹ trong bơ vơ lạc lòai gần như vô định. “Bọn nó” rời truờng đi học tiếp, để về quê làm ruộng, để đạp xe thồ kiếm sống giúp mẹ nuôi em, để lăn lộn với khó khăn của đời sống trước mắt. “Bọn nó” đã trải qua tất cả trong cùng cực lo âu, và đã vuợt qua tất cả bằng nghị lực chính mình, để tới được phía trước cùng bạn bè trang lứa. Rồi “Bọn nó” cũng đã làm Cha, làm Mẹ, làm Vợ, làm Chồng để hòa cùng xã hội. Cũng cần nói tới bao đứa trong “Bọn nó” đã vĩnh viển ra đi về thế giới xa xôi trong quá trình vuợt khó ở quê nhà. Bây giờ ngồi lại, bọn “Bọn nó” cũng đã thiếu mất một số những khuông mặt đầy thương yêu. Xin hãy cùng nhau gọi tên từng “bạn” nghe “bọn bây”. Để ở đâu đó trong cái không gian cực thánh, các “Bạn” của chúng ta cũng mãn nguyện khi cảm nhận được sự tha thiết của buổi sum vầy.
Hình ảnh ngôi trường cũ, lớp học xưa. Chiếc áo dài tân thời ngắn vạt của cô Thục-Anh, cô Giới, Hình ảnh tuyệt đẹp của “tình yêu” Thầy Huấn đèo cô Lan trên chiếc xe Honda màu xanh, rồi bài giảng thâm thúy về thơ Hồ-Xuân-Huơng của thầy Phan-Anh-Tài…. Dáng điệu “mảnh khảnh” của thầy Hoành, Thầy Kim-Sơn, hay vẽ nghiêm nghị của thầy Hiệu Truởng Nguyễn-Tri-Tài, Thầy Tổng Giám thị Nguyễn-Phu, Thầy Giám Học Lê-Vàng….vẫn còn ở đâu đó trên bục giảng, trong sân truờng, bàn bạc đó đây trong ký ức tuổi thơ của “Bọn nó”. Ngày mai bọn “Bọn nó” sẽ gặp lại thêm thầy cũ, cô giáo xưa của thời trung học. Tất cả như đếm từng phút trong đợi chờ cho một hạnh phúc tràn dâng. Hơn bao giờ hết, Ở đây, bây giờ, “Bọn nó” biết rằng, “6875” không cần phải nói lời yêu thuơng với nhau nữa, bởi bản thân nó đã là vậy. “Họ thực sự yêu thương nhau”. Không cần phải rũ nhau gặp mặt, Bởi lúc nào “Bọn nó” “cũng sẳn sàng”, mỗi phút bên nhau đều được trân quý. “Bọn nó” quý nhau trong thánh thiện của tâm hồn, “Bọn nó” quý
nhau trong yêu thương rất thực, trong cảm nhận đời người ngắn ngủi. “Bọn nó” đã tự tìm nhau trên mọi miền đất nước, “Bọn nó” đã vượt cả không gian xa để đến với nhau hôm nay, từ ngay những ngỏ hẹp của hành tinh. Có phải chăng đay là kết quả tốt của một nhân chủng tuyệt vời theo triết lý nhà Phật hay luận thuyết đầy yêu thương trong Thánh Kinh cao cả.
Như say men chiến thắng, cho đến bây giờ, chưa vào đại hội chính, mà “Bọn nó” đã bắt đầu lên kế hoạch cho lần gặp nhau tới ở ngay trên quê hương bé nhỏ Tam-Kỳ, Ngay trên sân trường của thời thơ ấu, ngay trên dòng sông nước mát uốn lượn quanh cái thành phố nhỏ nhất chỉ có một con đường của quê hương Việt-Nam thân yêu.
Có lẽ thằng mà tiếc nhất vì đã không về được trong lần họp mặt này là “Cu” Bùi-Mỹ. Giờ chót không thực hiện được chuyến đi cũng là ”Vì, Tại, Bị”. Nêu ra một trường hợp này để rút kinh nghiệm và cũng để kết thúc bài viết này. “Bọn nó” cũng không quên cảm ơn ban tổ chức đã cho anh em chúng ta một khoảnh khắc bất ngờ nhưng rất tuyệt trong đời sống. Xin một tuyên bố chung là Họp Mặt San Jose thành công.
7/7/2013 SanJose
“6875” Nguyễn-Hoàng-Diệu.
 Viết nhanh cho một lần họp mặt

No comments:

Post a Comment