Trường Trần Cao Vân Hành Khúc

Trường Trần Cao Vân Hành Khúc

Saturday, May 16, 2015

Làm Mẹ - Truyện Nguyễn Thị Duy


Hoài vừa đi vừa nhảy chân sáo về nhà. Biết mẹ lo lắng khi thấy Hoài về trể nên vừa bước vào nhà Hoài đã tíu tít nói với mẹ "Mẹ ơi! Con quên nói cho mẹ biết chừng, con về trể vì bữa nay ở trường con có bữa tiệc "tống cựu, nghinh tân" đó mẹ". Rồi Hoài nói tiếp để khoe với mẹ "Mẹ nè! Bữa ni cô vợ thầy Hoà nấu nhiều món lạ và ngon lắm mẹ ơi !  Người ra đi thì buồn vì phải chia tay bạn bè cũ. Người mới tới thì còn bỡ ngỡ với khung cảnh mới, người mới nên ăn uống chút chút, cầm chừng. Tụi con thì khoái chí với thức ăn ngon nên ăn quá chừng. Cái bụng con căng cứng đây nè mẹ!". Mẹ Hoài nguýt Hoài một cái rồi nói "Mày thì cả ngày chỉ biết ăn với chơi. Chẳng biết làm cái chi cả. Thằng nào mà vớ đụng mầy thì thiệt là đeo cái khổ vào thân".<!--m-->

 Hoài tủm tỉm cười một mình. Mẹ không biết chi về con gái mẹ cả. Ở nhà Hoài thường hay ỷ lại có mẹ, có chị lo hết mọi thứ cho Hoài chứ ra ngoài Hoài làm việc cũng nghiêm túc lắm chứ bộ. Hoài cũng đã có được uy tín với các bạn đồng nghiệp và được phụ huynh học sinh kính mến. Còn với anh thì lúc nào Hoài cũng là "số một". Trong những lần về phép ngắn ngủi ghé thăm Hoài anh cũng thường ao ước "Nếu năm nay anh được chuyển về hậu cứ, không phải đi hành quân liên miên nữa thì "Ra giêng anh cưới em" được không?". Nghĩ đến đây Hoài cười tươi và xoay qua hỏi mẹ "Mẹ ơi ! Me chê ỉ , chê ôi như rứa  mà có người hỏi cưới con thì mẹ tính sao đây hở mẹ ?". Mẹ hứ một tiếng rồi nói "Thì gả tống mầy đi cho rồi chứ giữ lại làm chi. Giữ mầy trong nhà như giữ quả bom thêm mệt!". Thế rồi không đợi đến ra giêng. Tháng mười năm ấy anh hỏi cưới Hoài. Đám cưới nhà binh trong thời tao loạn được diễn ra đơn giản, trang nghiêm và thật là ấm cúng. Cô dâu xúng xính trong chiếc áo dài màu đỏ với chiếc vương miện  được kết thêm hoa và khăn "vôn" trắng trên đầu. Tay ôm bó hoa, cô dâu bẽn lẽn đứng bên chú rể. Chú rể thì lúng ta lúng túng trong bộ đồ vest "civil" mà cả một thời gian dài chàng lính trẻ không có cơ hội để mặc.... Bà con họ hàng hai bên chúc mừng cho đôi trẻ luôn hạnh phúc bên nhau. Mẹ Hoài thì vui mừng lắm, lăng xăng chạy ra chạy vào tiếp khách (Chắc mẹ vui vì đã có người rước đi cái "cục nợ lười biếng" của mẹ… hì…hì…)....    Một tuần lễ trăng mật ngọt ngào rồi cũng qua nhanh và anh lại khăn gói trở về lại đơn vị để tiếp tục nhiệm vụ của người trai trong thời chinh chiến. Nay...Đức Phổ , Sa Huỳnh. Mai... Mộ Đức, Bình Sơn. Rồi căn cứ Ross, Quế Sơn.... Thỉnh thoảng mới được ghé về thăm nhà vài tiếng rồi lại ra đi. Hoài cũng trở lại với cái sinh hoạt thường ngày. Làm việc và vui đùa cùng bạn bè đồng nghiệp. Hồn nhiên với lũ học trò. Lúc về nhà lại nhỏng nha nhỏng nhảnh với mẹ. Nhiều lúc Hoài cũng cảm nhận được cái nổi buồn của người chinh phụ như len len vào lòng "Chàng thì đi cõi xa mưa gió, Thiếp thì về buồng cũ gối chăn". Mẹ Hoài ban đầu hay nói "hùng hùng, hổ hổ" với Hoài nhưng khi gả Hoài rồi thi lại quýnh quáng cả lên như sợ Hoài sẽ theo chồng đi xa mất. Mẹ cứ theo bên Hoài nho nhỏ nói "Chồng con nó cứ đi hoài thì con về làm chi trong đó (về quê chồng). Ở đây với mẹ, có chi thì mẹ lo cho. Mẹ biết con gái có chồng thì phải theo chồng nhưng mẹ chẳng muốn đứa nào đi xa mẹ cả ". Hoài cảm động với tình thương của mẹ dành cho các con nhưng cũng tinh nghịch "chọc quê" mẹ "Bây chừ mẹ không còn sợ bom nổ trong nhà nữa phải không mẹ ? Có người đỡ đạn rồi hì....hì....". Mẹ như mắc cỡ khi nghe Hoài nói nhưng cũng cười cười rồi nói với  Hoài "Thì làm mẹ ai mà không thương con và lo lắng vẩn vơ như vậy chứ ". Một ngày tháng chạp Hoài lu bu phụ với mẹ làm bánh cúng Tết và chuẩn bị một ít quà để về thăm quê chồng. Hoài cảm thấy trong người khó chịu, choáng váng và xây xẩm. Hoài đi gặp bác sĩ theo sự lo lắng và hối thúc của mẹ. Bác sĩ vui vẻ báo cho Hoài biết một tin vui là Hoài đã có thai. Niềm vui sắp được làm mẹ như vỡ oà trong lòng Hoài. Cái cảm giác lần đầu tiên được làm mẹ nó khó tả làm sao... Sung sướng ... hạnh phúc .... rồi lo lắng ... cứ quyện vào nhau làm cho Hoài thấy lòng mình lâng lâng, nôn nao quá. Hoài ngã vào lòng mẹ để chia xẻ niềm vui với mẹ rồi hỏi mẹ " Mẹ ơi ! Mẹ tả lại cho con biết cái cảm xúc của mẹ khi lần đầu tiên mẹ biết có sự hiện diện của chị hai trong bụng mẹ xem nó có giống cái cảm xúc của con trong lúc nầy không?". Mẹ ôm chặt Hoài trong vòng tay rồi nói "Lúc ấy mẹ hạnh phúc lắm! Mẹ vui lắm con à !". Hoài háo hức trông lần về phép sắp tới của anh để báo tin vui. Anh thì cứ ước mong đứa con đầu lòng là con trai. Khi nghe Hoài báo tin anh sắp sửa được lên chức cha, anh mừng vui nói với Hoài "Hạnh phúc quá phải không em!". Rồi anh đưa tay xoa xoa lên bụng Hoài và nói “Lớn nhanh lên nhé con ! lớn nhanh để còn đi theo ba "uýnh" giặc chứ hả ! ". Hoài la oải oải "Cái anh nầy! biết con trai hay con gái mà anh bảo đi theo anh đánh giặc". Hoài lại thích đứa con đầu lòng của mình là con gái nên nói với anh "Anh cứ đi xa hoài nên em thích con mình là con gái để mẹ con ở nhà tâm sự với nhau". Nhưng rồi bỗng dưng Hoài lo lắng hỏi anh "Mình tính sao đây anh? Em có con rồi cũng phải bu ở với mẹ hoài vậy sao! ..."Anh nói tỉnh bơ "Thì em vào khu gia binh ở hậu cứ ở với anh. Anh sẽ xin chỉ huy trưởng cấp cho tụi mình một căn nhà ở đó. Trưa, chiều anh về ăn cơm với mẹ con em. Bữa nào anh đi hành quân thì em đón xe về ngoài nhà với mẹ". Rồi anh nói tiếp để an ủi Hoài "Đời lính mà em !  Được vậy là hạnh phúc lắm rồi !". Nhưng rồi cái ước mơ đơn giản "Một mái nhà tôn ở khu gia binh với hai quả tim vàng" cũng bay theo mây khói vì cái ngày đen tối 30/4 ập đến. Cùng với những người của "bên thua cuộc" anh bị tập trung vào tù "cải tạo", Một người tù không có án nên Hoài chẳng biết khi nào anh được tha về. Cái ước muốn của mẹ Hoài : "Mẹ không muốn đứa nào đi xa mẹ cả" thế mà đã thành sự thật. Hoài lại tiếp tuc sống những ngày "hụt hẩng" bên mẹ. Đứa bé trong bụng Hoài lớn dần theo từng ngày, từng tháng làm cho bụng Hoài càng lớn hơn trước và đi lại nặng nề. Thỉnh thoảng nó đạp mạnh như muốn chia xẻ với mẹ nó cái lo âu, thấp thỏm trong những ngày mà cha nó vắng nhà. Mẹ Hoài lo chuẩn bị mọi thứ cho Hoài để chờ đón ngày đứa bé chào đời. Lúc nào mẹ cũng có bên cạnh Hoài và luôn an ủi Hoài "Buồn làm chi con, cả đất nước chứ đâu phải một mình con, lo gìn giữ đứa con trong bụng chờ cho đến ngày nó chào đời". Rồi một ngày Hoài chuyển dạ. Cơn đau chuyển dạ lúc ban đầu chỉ là râm râm thôi nhưng càng về sau cơn đau càng dữ dội. Hoài nghiến chặt răng để chịu đựng cơn đau. Nước mắt Hoài tuôn ra lăn dài trên má. Hoài khóc không phải vì đau mà Hoài khóc vì tủi thân. Cái giây phút thiêng liêng để được làm mẹ nầy phải chi Hoài có anh bên cạnh để chia xẻ cùng Hoài, để cả hai cùng nhau chào đón "cái tác phẩm đầu tay" mà hai vợ chồng đã tạo nên. Cơn đau lại đến dồn dập... liên tục... đã cắt đứt mọi suy nghĩ vẩn vơ của Hoài. Đứa con trong bụng Hoài gò lên như muốn nói với Hoài "Can đảm lên mẹ ơi! Con sắp ra với mẹ rồi nè! ". Mọi người dìu Hoài lên bàn sinh. Cái nhà hộ sinh nho nho của chị Kim Cúc ở sát bên nhà Hoài chỉ có vài giường nằm, dụng cụ đơn sơ nhưng sạch sẽ và đầy ắp tình người sau cuộc đổi đời. Mồ hôi trán Hoài vả ra ướt đẩm. Chị Cúc đứng bên cạnh nói với Hoài "Ráng lên em, con em sắp ra rồi đó ! Dồn hơi thêm cái rặn nữa đi .. giỏi ...giỏi...! ". Hoài rán sức rặn lần thứ ba và đã nghe tiếng chị Cúc reo lên "Được rồi! được rồi !  em nghĩ đi !  con gái nè ! ". Hoài sung sướng khi nghe tiếng khóc "oe...oe..." của con mình. Hoài lại nghĩ tới anh, nơi núi rừng chập chùng xa xôi ấy không biết anh có được một chút "thần giao cách cảm" nào không để biết rằng con anh đã chào đời. Nước mắt Hoài một lần nữa ứa ra khi nghĩ đến những tháng ngày kế tiếp... bơ vơ... tội nghiệp của mẹ con Hoài. Khi Hoài được chuyển về giường thì con Hoài đã có sẳn ở đó rồi. Con bé được cuộn trong lớp tả và ngo ngoe cựa quậy. Thoáng nhìn, Hoài thấy con bé giống cha như đúc. Hoài ôm chặt con vào lòng, xúc đông cảm ơn trời đất đã ngó nghĩ để cho hai me con Hoài được "Mẹ tròn, con vuông". Hoài âu yếm nhìn con, cái miệng chúm chím của con sao mà dể thương quá, cái miệng ấy cứ đưa qua đưa lại chắc là để tìm bầu sữa mẹ. Hai mắt con bé nhắm tít, thỉnh thoảng mở hé hé như muốn nhìn xem mẹ nó vui đến chừng nào. Con bé như biết thân phận cút côi của mình, ra đời trong lúc cha mịt mù trong lao tù "cải tạo" nên nó rất ngoan. Bú mạnh và ngủ yên giấc, không khó dể với Hoài nhiều. Chưa đầy một tuần nhưng Hoài đã thấy con thay đổi nhiều so với ngày nó mới chào đời. Sau một tuần ở nhà hộ sinh. Mẹ đưa Hoài về nhà. Lúc nầy mẹ Hoài lại bận rộn cả ngày để chăm sóc cho hai mẹ con Hoài. Hết lo cơm nước, xông hơ cho Hoài. Lại lo tắm rửa cho em bé, giặt giũ áo quần .... Mẹ làm không hở tay. Lúc nào rảnh tay thì mẹ lại ngồi bên chiếc nôi của cháu. Tiếng ru của mẹ Hoài êm êm như đưa Hoài trở về lai những tháng năm thơ ấu xa lơ xa lắc ấy. Hoài thấy thương mẹ vô cùng. Mẹ cũng đã trải qua những cơn đau chuyển dạ xé lòng để cho anh, chị, em Hoài chào đời và có mặt trên cõi đời nầy. Hoài cảm nhận được ai đã từng làm mẹ sẽ thấy được công lao khó nhọc của mẹ
và thương mẹ nhiều hơn...
    Tiếng chuông cửa "kính coong....kính coong..." vang lên đã cắt đứt những dòng hồi ức của bà Hoài. Bà chậm rải ra mở cửa. Người nhân viên của tiệm bán hoa trao cho bà một bình hoa tươi thật đẹp và có kèm theo một tấm thiệp xinh xinh của con gái bà từ tiểu bang xa gởi về. Bà Hoài lẩm nhẩm đọc mấy câu "note" của con gái bà ghi trong tấm thiệp " Mẹ ơi ! Thương chúc mẹ một ngày lễ MẸ thật yên bình và hạnh phúc. Con nhớ mẹ nhiều lắm! ". Bà Hoài quá xúc động nên làm cho tấm thiệp rung rung trên tay bà. Bà sực nhớ lại, như vậy là một lần nữa ngày lễ Mẹ lại về...Bà đặt bình hoa lên bàn rồi xoay qua đưa mắt nhìn lên tấm ảnh của mẹ bà được đặt trên bàn thờ. Bà đi đến thắp cây nhang rồi lâm râm khấn vái…. Cái hạnh phúc mà bà có được hôm nay cũng chính nhờ vào vòng tay yêu thương... cưu mang....bảo bọc của mẹ bà trong những năm tháng khốn đốn mà bà đã trải qua. Bà nghe văng vẳng đâu đây tiếng ru của mẹ bà bên chiếc nôi của cháu ngày nào…" Ầu ơ ...ơ....ơ....Lên non mới biết non cao.... Có con
rồi…mới biết …công lao mẹ già... Ầu ơ....ơ.....ơ....". Hình ảnh của mẹ bà lại hiện về ....
nhạt  nhoà trong nước mắt  ....

                                                              Charlotte,  tháng  5 năm 2015

                                                                         Nguyễn Thị Duy,

No comments:

Post a Comment