Tôi thi vào lớp Đệ Thất (lớp 6) trường Trung học Trần Cao Vân tại Tam Kỳ niên khóa 1961-1962, lúc đó trường chỉ có 5 lớp, từ Đệ Thất đến lớp Đệ Tam. Hiệu trưởng là thầy Tôn Thất Dương Kỳ, gia đình thầy ở một căn phòng cuối dãy trong khuôn viên nhà trường. Cô Khuê, phu nhân thầy Hiệu trưởng cũng là một Giáo sư dạy môn tiếng Pháp (thời đó thầy cô dạy trung học gọi là Giáo sư)
Thầy cô có hai người con, chị Thúy học lớp Đệ Lục trên tôi một lớp, anh Quỳnh Ái học lớp Nhì (lớp 4) trường Tiểu học Tam Kỳ (hiện nay anh Quỳnh Ái là Bác sĩ trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy Tp.SG)
Thầy hiệu trưởng có một chiếc xe hơi hiệu Citroen, thỉnh thoảng tôi thấy thầy lái xe xuống phố, thầy thường đi một mình, tôi rất sợ mỗi lần gặp thầy.
cô Trịnh Thị Phượng, nữ sinh đẹp một thời TCV
Lần đầu tiên ở quê xuống tỉnh học, tôi bở ngỡ trước mọi thứ, từ cách đi đứng, ăn mặc đến lối sống của những người chung quanh. Tôi thấy xa lạ và rất nhớ nhà, căn nhà vách đất, mái tranh, nơi mà lúc nào tôi cũng mong được trở về.
Lớp tôi có 47 học sinh, cô Â. là giáo sư dạy quốc văn và cũng là giáo sư hướng dẫn (bây giờ gọi là giáo sư chủ nhiệm), cô người Huế, mới ra trường còn rất trẻ, mỗi tuần cô dạy 4 giờ (hồi đó gọi là giờ, không gọi là tiết như bây giờ).
Quốc văn chia ra làm 2 phần, Cổ văn và Kim văn, ngoài các môn học chính, chương trình học còn có các môn phụ như: Hán văn, Âm nhạc và Thể dục…
Dạy nhạc là thầy Lê văn B. thầy ốm và cao lêu nghêu, đặc biệt là lúc nào tôi cũng thấy thầy cười.
Khi lên lớp Đệ Lục (lớp 7), thầy Nguyễn văn H. dạy Quốc văn thay cô Â. Thầy cũng người Huế, ăn mặc giản dị và rất yêu mến đám học sinh “môn đệ” của mình. Có lần thầy dắt cả lớp đi tắm biển, khi chúng tôi đang vui đùa thỏa thích bỗng nghe giọng thầy hốt hoảng “..Phú đâu?..Phú đâu?..” Phú mà thầy đang tìm là anh Nguyễn văn Phú mà chúng tôi thường gọi là Phú Mai Hạc vì nhà anh có xưởng trà nổi tiếng tên Mai Hạc, Phú nhỏ con nhất lớp lại tắm ở cuối bãi bị sóng che khuất làm thầy lo lắng đi tìm và từ đó cho đến khi về, thỉnh thoảng thầy lên bờ đứng đếm từng đứa học trò. Thầy có chiec xe vespa mới toanh, một lần tôi được thầy chở đi làm tôi hảnh diện vô cùng. Đêm về nằm mơ cứ nghe tiếng máy xe nổ “bậc, bậc” phía sau lưng.
cựu nữ sinh Trịnh Thị Phi và bạn..trong Đại Hội TCV và NTH/QT tại San Jose, 2013
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 tôi mang tất cả tủ sách của mình ra vỉa hè đường Lê Lợi cạnh nhà sách Khai Trí, trải tấm áo mưa ra bày bán cho người qua đường. Cuộc sống túng quẩn, khốn cùng đã làm cho con người thật thảm hại, cài gì bán được cũng mang ra bán.
Quanh tôi có 3 người thầy ngày trước là giáo sư dạy trại các trường Trung học cũng bán sách ngoài vỉa hẻ như tôi, đó là thầy L. L. Y. (thầy đã mất tại Mỹ)
Và thầy Ng. Riêng thầy V.C thì dạy tại trường Quốc Gia Âm nhạc và Kịch nghệ Huế (thầy cũng đã mất tại Saigon ). Thầy trò gặp nhau trong một hoàn cảnh như vậy lòng tôi mừng mừng tủi tủi và lúc nào cũng rưng rưng chực khóc…
Phải nói người Sài Gòn thật tử tế và sống rất thoải mái dù ở trong hoàn cảnh nào, cái chợ sách tự phát bỗng trở nên nhộn nhịp mà nhà chức trách không dẹp bỏ được do nhu cầu đời sống tinh thần của người Sài Gòn rất cao, do vậy chính quyền dời chợ này vào con đường Đặng thị Nhu gần rạp ciné Nguyễn văn Hảo.
TQ Hùng và Phượng xưa
Con đường nầy vốn ít người qua lại càng quạnh hiu hơn sau năm 1975. Hơn 50 cái sạp được dựng lên trên con đường mà 2 bên là những ngôi nhà lúc nào “cũng kín cổng cao tường”.
Một buổi chiều đang ngồi bán sách, tôi thấy một người đàn ông cao lêu nghêu đi vào chợ sách, người đàn ông trông quen quen mà tôi không nhớ đã gặp ở đâu, một thoáng, tôi chợt nhớ và chạy ra đường:
- Dạ thưa thầy.
- Em…?
- Thưa thầy em học lớp Đệ Thất 2 trường Trần Cao Vân niên khóa 1961-1962… Hồi đó thầy dạy nhạc.
- Ờ..ờ..
- Mời thầy ngồi.
- Em bán sách cũ ở đây à?
- Dạ
Hơn mười năm mới gặp lại thầy học cũ, trong câu chuyện “hàn huyên” tôi được biết thầy hiện đang làm tài xế cho một chuyến xe đò liên tỉnh, tôi nhìn phía sau lưng thầy có một cuốn sách cuộn tròn, đó là một cuốn nhạc lý nổi tiếng của nhạc sĩ Hoảng Thi Thơ, tôi nghe lòng mình rưng rưng, tôi biết trong cơn túng quẩn thầy phải mang cuốn sách “gối đầu giường” ra chợ bán, cái khắc nghiệt của cuộc sống đôi lúc làm cho con người trở nên mặc cảm. Tôi cố gợi lại hình ảnh thân yêu của những ngày tháng cũ, những kỷ niệm êm đềm của những ngày còn đi học để thầy nguôi quên phần nào những nhọc nhằn về cơm áo.
các cựu nữ sinh TCV và NTH/QT duyên dáng trong ĐH San Jose, 2013
- Thưa thầy, em bán sách cũ nhưng chỉ chuyên bán về sach nhạc
- Thế à?
Thầy ngượng ngùng đưa cuốn nhạc lý cho tôi, tôi cầm cuốn sách trên tay, bìa sách dính đầy dầu mỡ và bong phần tên tác giả, tôi lật từng trang sách đã ố vàng và nói với thầy:
- Nếu thầy không dùng cuốn sách này nữa, xin thầy hãy để lại cho em.
Tôi đưa hết số tiền tôi có trong túi cho thầy, thầy nói:
- Nhiều thế à?
Tôi cười mà trong lòng muốn khóc, thầy hỏi tôi về việc học hành, nhà cửa… rồi thầy cười:
- Thầy nhớ rồi, em ngồi ở bàn cuối.. phải rồi, quê em ở Trà My?
- Dạ.
Thầy cười rồi dắt xe đạp ra về.
Buổi chiều thật buồn, mọi người chung quanh đã “dọn hàng” về hết, tôi nhìn ngọn đèn vàng úa ở góc phố. Thật không có nỗi buồn nào giống nỗi buồn nào và cũng không có cái khó nào giống cái khó nào. Trên đường về tôi cứ nhớ mãi cái dáng cao lêu nghêu của thầy, nhớ khuôn mặt khắc khổ của thầy và… lúc nào tôi cũng thấy thầy cười.
Saigon, tháng 5. 2005
Phạm Thanh Chương
No comments:
Post a Comment