Trường Trần Cao Vân Hành Khúc

Trường Trần Cao Vân Hành Khúc

Tuesday, March 4, 2014

Trận chiến chưa tàn - (Cựu GS/TCV) Trần Hoài Thư


…Vào năm học thứ hai, chàng phải chạm trán một mặt trận khác nữa. Khi chàng lấy môn English 102 mà giáo sư nguyên là một lãnh tụ phong trào phản chiến Mỹ. Ông mang cặp kính tròn vo kiểu Beatles, mang cả sợi dây chuyền có vòng bạc phản chiến lủng lẳng trước ngực. Ông luôn luôn kể lại phong trào chống chiến tranh trong những năm 60, với khói cay, dùi cui của cảnh sát, với những người sinh viên đổ máu trên sân trường. Ông tự hào về lần xuống đường tại thủ đô để thách đố Tổng thống Nixon. Ông chửi rủa người lính VNCH. Ông kết tội một đất nước đã mang đến gánh nặng cho dân tộc Mỹ, cả cái mà ông gọi là triệu chứng Việt Nam Vietnam syndrome.  Định đã nghe, bừng bừng với cơn giận dữ và tủi nhục. Có lần Định xuống văn phòng để xin một mẫu drop  (1).  Nhưng có một động lực nào đó bắt chàng phải đứng yên trước người thư ký già. Lời réo gọi vô hình như thúc giục: “Tại sao lại chịu thua? Hãy tham dự, hãy chiến đấu, hãy cho ông ta biết…” Và chàng tiếp tục ngồi lại, tiếp tục nghe những điệp khúc của người cựu lãnh tụ một thời. Chàng quyết định chọn đề tài cho bài khảo luận cuối khóa: “Phong trào phản chiến Mỹ và chiến tranh Việt Nam”
Rõ ràng là một trận chiến mà chàng biết là quá khó khăn. Vâng. Thật khó khăn. Chàng đã ngồi hàng giờ trong thư viện. Việt Nam đầy dẫy trên ngăn bục, trên các tạp chí cũ, trong các microfilm, và sách vở. Việt Nam như một ác mộng, một vết thương không bao giờ lành của xứ sở này. Việt Nam được nhắc nhở khắp nơi, tệ hại như “Quái vật”, “Kẻ giết con nít”, “Kẻ nghiện”, hay những tội ác chiến tranh. Còn quân đội, hàng ngũ của chàng thì được gán cho một thứ quân vô tổ chức, chưa đánh đã chạy, tàn bạo, hiếu sát, đánh thuê… Chàng cảm thấy khổ tâm và cô đơn. Chàng đã không thể tìm một tài liệu nào để giúp cho bài khảo luận của mình. Cho dù khi chính chàng là một pho tài liệu quí giá nhất, và cụ thể nhất!


Phải. Ngay cả những kinh nghiệm mà chàng đã trả bằng cả máu và nước mắt này, chàng cũng không thể dùng chúng để chứng tỏ cho ông thầy này biết. Mục đích của môn English 102 là dạy cho sinh viên về cách thức viết một bài khảo luận. Muốn chứng tỏ quan niệm và lập trường người viết cần phải có tài liệu. Trời ơi. Tài liệu là tôi. Là Nguyễn văn Định. Là người trong cuộc biển dâu này. Là một người đã thấy, đã nghe và đã sống này. Là tên lính phải cúi đầu khóc thầm khi tấn công ngôi làng chỉ toàn là đàn bà, ông lão và con nít. Là những nỗi gào thét trong lửa đạn bời bời, dao đâm phụt máu người, đạn AK, M16 trổ ra những lổ xuyên phá đỏ lòm. Hắn còn đau hơn ông giáo sư này đau. Phỉ nhổ còn hơn ông ta phỉ nhổ. Hắn đã điên cuồng bắn lên trời vì bạn bè hắn chết. Hắn đã ôm xác em nhỏ trong trận pháo kích cuồng điên, không dám nhìn cánh diều dính máu nằm trên sân. Hắn đã thấy đám Bắc quân chạy tán loạn như đàn vịt bên đường xe lửa mà không bắn theo. Và những điếu thuốc mời những tù binh của hắn. Để cuối cùng, hắn đã bị lừa, bị đá, bị vỡ mộng, bị xỏ mũi kéo đi vào cái rọ như cả miền Nam thân yêu, đến độ phải trốn chui trốn nhủi, chạy làng, bị gán : Già không tha, trẻ không từ, tội ác các anh đáng lẽ phải mang ra bắn, nhưng nhân dân, cách mạng khoan hồng…” rập khuôn từ một đám chăn trâu vô học…
Cái tài liệu sống này không đủ làm chứng cho một kinh nghiệm lịch sử sao, thưa ông? Định muốn hét lên, muốn trình hết cả tấm thân đến từ một nơi mà ông ta từng phỉ nhổ. Nhưng chàng bất lực.
Nhưng người ta đã không biết điều đó. Con cháu của chàng cũng không biết được điều đó.

***

Bây giờ rõ ràng cuộc chiến đấu đã trở thành cuộc thách đố. Thách đố như đôi kính tròn vo và mái tóc Beatles của vị giáo sư. Thách đố như cuốn sách đại phản chiến của Ron Kovic: “Born on the fourth of july” mà ông ta đã bắt chàng phải đọc. Chàng đã thức bao đêm trong căn phòng nghèo khó, để lắng nghe tiếng nổ trái phá từ một mặt trận mà chàng quyết định thử lửa. Để sáng hôm sau lại lao vào trận chiến như tên lính cô đơn nhất.

oOo

Nhưng phép lạ đã giúp chàng. Chàng gặp một người tài xế xe bus nguyên là cựu chiến binh VN trong một chuyến xe đêm. Xe chỉ còn hai người. Người tài xế hỏi chàng: Mày đến từ đâu? Chàng trả lời Nam Việt Nam. Người tài xế reo lên mừng rỡ: “Tao cũng có mặt ở đó. Trong hai năm”. “ở đâu?” “Pleiku, Kontum” “Như vậy đơn vị mày là Sư Đoàn một Kỵ Binh Không vận Hoa Kỳ? “”Phải, sao mày biết?” “Tao từng hành quân chung với đơn vị mày. Nhảy trực thăng, diều hâu, nằm đường ở An Khê, Mang Giang”. Người tài xế da trắng bây giờ cười lớn: “Mày là bạn tao rồi.” “Mày nghĩ thế nào về cái nơi mà bọn Mỹ mày gọi là địa ngục?” “Tao nhớ mãi. Tao thương đất nước mày quá. Tao đóng nhiều nơi, từ Đức sang Nhật, Thái Lan, nhưng chỉ có Việt Nam của mày là nơi mà tao nhớ nhất…” “Vì sao?” “Vì dân mày khổ quá, nhưng cũng rất hiếu khách. Còn bọn mày, tao phục. Đánh giặc nhà nghèo, mà đánh giặc giỏi, chịu đựng lại giỏi. Chẳng bì bọn tao…” Hai người trao đổi bao nhiêu điều về những kỷ niệm xưa. Định càng hiểu thêm về một thứ tình mà chỉ những con người cùng hoàn cảnh, cùng mục đích mới cảm thông. Đó là tình chiến binh. Đâu có cần hắn và chàng cùng chung một đơn vị mới cảm thông gần gũi. Trái lại, chính mồ hôi, nước mắt, máu, và bụi đỏ, mưa dầm, mà mỗi người cùng nếm, cùng chịu đựng chung nhau, mới là những yếu tố chính kết hợp họ lại với nhau. Đến nổi, người tài xế chẳng cần đón khách dọc đường nữa và Định cũng quên dừng lại tại trạm quen thuộc nữa…
Và Định nói với Tom nỗi khó khăn của chàng. Tom hứa giúp đở chàng bằng cách giới thiệu thêm vài người cựu chiến binh khác. Hắn nói:”Đó không phải cuộc chiến đấu của riêng cá nhân mày, mà là cuộc chiến đấu của cả bọn tao…Đừng bận tâm, Thịnh ạ…” Định cảm kích đến rưng rưng.

oOo

Lại một mùa Giáng Sinh nữa lại về với Định nơi đất khách. Có một chút gì thê thiết dấy lên từ phía trời xa. Nơi đó, có con đường xưa, có phố cũ, có buổi tối đèn hoa và máng cỏ. Có một chút gì khiến chàng phải chạnh lòng, khi đứng bên khung cửa sổ, nhìn những trận bông tuyết đang tiếp tục rơi xuống dập dìu. Màu trắng xóa phủ ngập đường, mái ngói, hàng cây. Màu trắng xóa từ một mùa Đông trở về đúng hẹn trên một đất nước chưa hề biết gì về chiến tranh. Và chàng vẫn đứng yên. Đứng yên như thế, trong bóng tối của căn phòng trọ nghèo nàn, để nhận ra cõi lòng mình thấm thêm những giòng lệ xa xót của kiếp tỵ nạn.
Đã hai ngày, phòng có hơi sưởi. Hàn thử biểu đã xuống khủng khiếp. Dễ chừng 15 độ F, có nghĩa là ở độ âm C. Có nghĩa là nước đông lại. Hơi thở cũng đông lại. Nước miếng, nước bọt, cũng phải đông lại. Chàng đã phải mở lò gaz, vòi nước nóng, để nước ngập cả bồn tắm, để may ra hơi nóng có thể làm bớt đi cái giá rét kinh hồn từ ngoài trời xâm nhập vào trong phòng. Vợ chàng vừa từ bệnh viện trở về hôm qua, và vì không có xe, nên chàng phải dìu vợ trên con đường ngập tuyết giữa đêm khuya. Bây giờ nàng đang trùm trong tấm chăn dày cộm. Còn chàng thì bất lực để nhìn từng trận bông tuyết mỗi lúc một ồ ạt tấn công xuống đường. Những cụm tuyết như những bông trắng xóa, xiên xiên theo gió, hất lên cao, rồi chụp xuống đất. Ngày xưa, hồi còn ở quê nhà, chàng đã nhìn qua phim ảnh để tưởng tượng đến vẽ đẹp của những vùng tuyết trắng, với mái nhà thờ, với những ánh đèn ấm cúng từ trong nhà, với những em bé ném những quả banh tuyết, hay những người quay quần trước lò sưởi, bên cây giáng sinh óng ánh dây kim tuyến, trong khi ngoài cửa sổ là những trận bông tuyết trắng mượt in đậm…Bây giờ, chàng mới hiểu thế nào là thực tế… Tuyết vẫn ào ạt rơi. Dưới ánh đèn đường, màu tuyết càng trắng hơn, thi nhau xiên xiên in bên khung kính. Thỉnh thoảng vài chiếc xe lướt qua, đèn pha càng chọc thũng cả một vùng trời tuyết trắng, như trong ấy triệu triệu sinh vật li ti quay cuồng…
Chàng đứng yên nhìn xuống đường. Đợi chờ gì ở ngoài đấy. Chàng cũng không biết nữa. Người đưa thư đã qua đường. Vợ chàng thầm thì: “Lạy Trời cho con có thư Việt Nam”. Người đưa thư vào cỗng. Chàng xuống vội thang lầu. Có một phong bì mà chàng nghĩ là chàng không thể ngờ nổi. Đó là tấm cạc chúc mừng Giáng Sinh của ông thầy phản chiến cùng bài khảo luận của chàng. Ông đã cho bài khảo luận của chàng A+.
A+
(1) Mẫu dành cho sinh viên dùng để bỏ môn học mình đã chọn, trong thời kỳ ân huệ  của khóa học, mà không bị  kỷ luật.


Trần Hoài Thư 

No comments:

Post a Comment